Giỏ hàng
Sale Extra từ MILUXE Shop Now

THE JOURNAL WATCHES

Tính năng Haute Horology ít người biết tới: đồng hồ cơ kim giật như đồng hồ quartz?

Nghệ thuật chế tác đồng hồ (Haute Horology) là sự kết hợp tài tình giữa những thành tựu kỹ thuật tuyệt vời và tính thẩm mỹ, và đôi khi hai yếu tố này được liên kết chặt chẽ, thay thế cho nhau. Trong một số trường hợp, yếu tố kỹ thuật làm thay đổi hoàn toàn giá trị về mặt thẩm mỹ, chẳng hạn như tính năng giây giật (deadbeat seconds) trong đồng hồ cơ khí.

Hãy cùng Miluxe điểm mặt một số mẫu đồng hồ deadbeat seconds nổi bật sau:

De Bethune DB25T Zodiac - giá bán 275,000 USD (khoảng 6.2 tỷ VNĐ)

Petermann Bédat Dead-beat Seconds - giá bán 64,400 CHF (tương đương khoảng 1.6 tỷ VNĐ)

A. Lange & Söhne Richard Lange Jumping Seconds Black Dial - giá bán 71,000 EUR (tương đương khoảng 1.9 tỷ VNĐ)

Jaquet Droz Grande Seconde Deadbeat - giá bán khoảng 35,000 USD (tương đương khoảng 797.000.000 VNĐ)

sp_erwin

Habring2 Erwin, chiếc đồng hồ sử dụng cơ chế deadbeat seconds có giá 6050 EUR (tương đương khoảng hơn 180.000.000 VNĐ) - mức giá từng giúp Habring2 Erwin chiến thắng hạng mục Petite Aiguille (chiếc đồng hồ xuất sắc có mức giá hợp lý nhất) tại GPHG - giải thưởng được ví như Oscar của ngành đồng hồ cơ khí.

sp_erwin-globetrotter

Tất cả bộ máy của đồng hồ Habring2 đều được chế tác thủ công in-house. Mỗi chiếc đồng hồ Habring2 đều được đánh số thứ tự bởi mỗi năm hãng chỉ sản xuất với số lượng rất hạn chế, chỉ từ 150 - 200 chiếc. Thời gian đặt hàng cũng lên đến 6 - 8 tháng.

Vậy deadbeat seconds đem lại điều gì cho nghệ thuật chế tác đồng hồ cơ khí? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy cùng Miluxe tìm hiểu deadbeat seconds là gì, và nguồn gốc ra đời của tính năng này qua bài viết chuyên sâu tại watchbysjx.com.

Lịch sử thời gian

Trong thế giới ngày nay, khi việc một vệ tinh được đưa vào quỹ đạo Trái đất dường như đã trở nên quá đỗi bình thường, con người đã xem thời gian và không gian là hai khái niệm không thể tách rời nhau. Trước khi Einstein đưa ra Thuyết tương đối, mối liên hệ giữa không gian và thời gian hoàn toàn không tồn tại, và khái niệm thời gian đã được định nghĩa từ rất lâu trước đó.

Đối với người Ai Cập cổ đại, hiện tượng ngày và đêm dựa vào chuyển động của Mặt trời và bầu trời đêm được chia thành nhiều phần bởi vị trí của các ngôi sao, tạo thành các chòm sao. Trong nhiều thiên niên kỷ sau này, người Sumer và người Babylon đã cải tiến thêm phép đo thời gian, nhằm tính toán chính xác hơn chuyển động của các ngôi sao.

Năm 333 trước Công nguyên, Alexander Đại đế đã mở rộng đế chế Hy Lạp của mình sang Babylon và một số nhà thiên văn học Hy Lạp khi đó, đặc biệt là Ptolemy, đã điều chỉnh lại hệ thống đơn vị thời gian. Trong cuốn sách Almagest nổi tiếng của mình, Ptolemy đã đề xuất cách phân chia giờ thành "prima minuta", tức "chia nhỏ", chính là đơn vị phút ngày nay và "secunda minuta", tức "chia nhỏ phút", tương đương đơn vị giây.

Sau đó, người Hy Lạp cũng áp dụng cách tính của người Ai Cập cổ là một ngày có 24 giờ, mỗi giờ có độ dài cố định. Mỗi ngày được chia thành 86.400 giây - 24 giờ/ngày, 60 phút/giờ và 60 giây/phút. Hệ thống này chính là đơn vị thời gian hiện đại mà chúng ta đang sử dụng. Do đó, một chiếc đồng hồ đã được chế tạo với tiêu chuẩn chính xác cao đến từng phút, từng giây.

Kim giây trên chiếc đồng hồ chronograph Vacheron Constantin Cornes de Vache

Thời xưa, khi đồng hồ quả lắc là vật xem giờ phổ biến trong gia đình hay nơi công sở, người xem giờ có thấy rõ chuyển động của từng giây nhờ con lắc bên trong đồng hồ - được gắn trên một thanh dao động dài, có độ dao động khoảng 0.5Hz.

Bộ thoát đồng hồ mở hai lần trong mỗi chu kỳ dao động, tạo nên tiếng kêu "tích tắc" quen thuộc, mỗi tiếng tương đương với 1 giây. Độ dài của tiếng "tích tắc" phụ thuộc vào chiếc dài của thanh dao động gắn trên con lắc: thanh dao động càng dài thì thời gian của mỗi dao động sẽ càng lâu.

Bởi tần số dao động 0.5Hz là tiêu chuẩn trong đồng hồ quả lắc, hầu hết thanh dao động trong đồng hồ đều có độ dài khoảng 1 mét, chính xác hơn là 0.994 mét - chiều dài lí tưởng được tính ra từ phương trình chu kỳ dao động, chứ không phụ thuộc vào khối lượng con lắc.

Dĩ nhiên, việc lắp đặt một con lắc lớn như vậy trong một chiếc đồng hồ đeo tay không khả thi. Do đó, vào khoảng năm 1670, hai nhà chế tác đồng hồ Christian Huygens và Robert Hooken đã phát minh ra bộ phận mới thay thế cho con lắc: bánh xe cân bằng. Thay vì dao động nhờ trọng lực, bánh xe cân bằng sẽ dao động qua lại nhờ năng lượng được tích trữ trong dây tóc đồng hồ.

Một phần trong tài liệu "Of Spring" của Hooke năm 1678.

Nhưng ngay cả sau ba thế kỉ từ khi xuất hiện, bánh xe cân bằng vẫn có một nhược điểm: nó có xu hướng dao động tương đối nhanh so với một con lắc thông thường. Ví dụ, bộ máy ETA 2892 phổ biến có bánh xe cân bằng dao động 4 Hz, với đường kính 8 mm, thậm chí Antoine Martin Slowrunner, chiếc đồng hồ có bánh xe cân bằng 24 mm, lại có tần số dao động chỉ 1 Hz.

Ngay cả với kích thước 24 mm, bộ máy của chiếc Slowrunner vẫn chạy với tần số dao động lớn gấp đôi tần số 0.5 Hz của đồng hồ quả lắc - tần số tiêu chuẩn để bộ máy chạy từng chính xác đến từng giây. Trên thực tế, để đạt được tần số 0.5 Hz, một chiếc đồng hồ đeo tay cần phải có một bánh xe dao động lớn hơn toàn bộ kích cỡ bộ máy.

Bánh xe cân bằng cực lớn của chiếc Slowrunner

Câu hỏi được đặt ra là: tại sao kim giây nguyên bản trên đồng hồ quả lắc nhảy từng giây một lại là điều bắt buộc? Hay liệu kim giây chạy một vòng trong một phút có làm được điều tương tự ?

Đầu tiên, việc kim giây chạy "tích tắc" từng giây một là điều cần thiết bởi giây là đơn vị đo thời gian tiêu chuẩn. Cá nhân tôi cho rằng các giáo sư vật lý sẽ đồng ý với tôi điều này.

Trước khi áp dụng đơn vị SI, người Pháp đã đo lường bằng hệ mét. Năm 1799, sau cuộc cách mạng Pháp, với đề nghị của một uỷ ban do Viện Hàn lâm Khoa học Pháp thành lập, Pháp đã chính thức áp dụng hệ mét, trong đó đơn vị giây trở thành hệ thống đo lường thời gian chính thức theo luật định tại quốc gia này.

Hệ mét sử dụng luôn chiều dài quả lắc để biểu thị 1 mét. Trên thực tế, đã có những đề xuất ban đầu về việc sử dụng độ dài 0.994m của con lắc đồng hồ để biểu thị đơn vị mét, định nghĩa “mét” hiện nay chỉ sai lệch 0,6%. Giây đã trở thành đơn vị đo thời gian phổ biến từ trước đó. Vì vậy các nhà khoa học đã đề cao tầm quan trọng của việc hiển thị thời gian từng giây một, thể hiện rõ trong các nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Trước khi đồng hồ chronograph xuất hiện vào những năm 1820s nhằm đáp ứng khả năng dừng và đánh dấu khoảng thời gian đã trôi qua, thì việc đếm chính xác đến từng giây là rất cần thiết. Sau đó, kim giây đã xuất hiện trên hầu hết những chiếc đồng hồ bấm giờ vào những năm 1820s, hiển thị chính xác đến từng giây với đầy đủ 60 vạch số giây trên mặt số.

Khi nhìn vào một chiếc đồng hồ cơ thông thường với kim giây trôi nhanh và đều, con người rất khó có thể phân biệt chính xác được từng giây trôi qua, đặc biệt khi cần ghi lại thời gian của một sự kiện nào đó. Để giảm thiểu sai số, các phép đo thời gian đã được thực hiện và cho kết quả rằng, kim giây chạy chậm, rời rạc sẽ giúp các kỹ thuật viên có thể đo lường thời gian của sự kiện một cách chính xác hơn

Từ đây, kim giây giật, hay còn được gọi là deadbeat seconds, đã ra đời trên những chiếc đồng hồ cơ khí vào cuối thế kỉ 18. Kim giây deadbeat seconds chạy tích tắc từng giây, giúp người đeo có thể dễ dàng nhận biết từng giây trôi qua ra sao, hay thậm chí là từng tích tắc - điều mà họ không thể làm được khi kim giây chuyển động trôi nhanh liên tục. Ngoài ra, kim giây chạy tích tắc, hay kim giây giật (deadbeat seconds) cũng giúp các kỹ thuật viên đo đạc có thể tính toán những sự kiện một cách chính xác nhất có thể - điều mà họ đã thành công vào cuối thế kỉ 18.

 

Deadbeat Seconds trên đồng hồ đeo tay

Do bánh xe cân bằng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi cùng tần số dao động với chuyển động cổ tay; hạn chế về kích thước bộ máy, nên bộ máy của đồng hồ đeo tay không thể hoạt động với dao động 0.5 Hz bởi khi đó kích cỡ bộ máy sẽ rất lớn, đồng thời đồng hồ đeo tay cũng phù hợp với dao động cao hơn bởi bộ máy sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi chuyển động của cổ tay.

Thứ hai, bất kì xung lực hay tác động vật lý lớn nào ảnh hưởng đến bộ máy sẽ đều khiến cho chu kì dao động của bộ máy đó thay đổi. Do đó chu kì dao động càng ngắn thì sai số của bộ máy sẽ càng thấp. Ngược lại, về mặt lý thuyết, tần số dao động cao sẽ làm tăng độ mài mòn của bộ máy, đặc biệt khi có nhiều dao động hơn diễn ra trong 1 giây. Vì những lí do trên, ngành công nghiệp đồng hồ đã thống nhất rằng một bộ máy đồng hồ đeo tay chỉ nên hoạt động ở tần số 3-4 Hz - một con số hoàn hảo, phù hợp với nhiều kích thước bộ máy và vẫn giữ được khả năng chống va đập, chống sốc.

3-4 Hz là con số lý tưởng cho bộ máy của hầu hết đồng hồ đeo tay, ngoại trừ bộ máy sử dụng cơ chế deadbeat seconds bởi chức năng này cần tần số dao động cao hơn thế. Các nghệ nhân chế tác đồng hồ đã áp dụng một trong hai cách để giải quyết điều này: lắp đặt deadbeat seconds trong một bộ thoát phụ (star-and-flirt mechanism), nằm bên cạnh hộp trữ cót; hoặc tích hợp cơ chế này như một bộ thoát thứ cấp (secondary escapement) bên trong hộp cót thông qua một remontoir (bộ phận lên cót).

Mẫu đồng hồ sử dụng cơ chế deadbeat seconds của Habring2. Video - Habring2

Bộ thoát phụ (Star-and-flirt mechanism)

Với cách đầu tiên, thợ chế tác sẽ đặt cơ chế deadbeat seconds trong một bộ thoát phụ, trong tiếng Anh được gọi là star-and-flirt, nằm bên cạnh hộp cót như một tính năng bổ sung cho bộ máy và đây là phương pháp ít phức tạp nhất. Một ví dụ điển hình của cách thức này là chiếc đồng hồ Jaeger-LeCoultre Geophysic True Second hoạt động với bộ máy calibre 770 và tần số 4 Hz.

Trong calibre 770, kim giây deadbeat seconds hoạt động thông qua bộ thoát phụ star-and-flirt, tên gọi được kết hợp giữa bánh răng hình ngôi sao và một đòn bảy tuyến tính. Bộ thoát này hoạt động song song với bánh răng chính của hộp cót, tương tự như bộ máy Chézard 115/116 phổ biến trong những năm 1950s.

Bộ máy JLC cal. 770 với bộ thoát phụ có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.

Về bản chất, trong phương pháp đầu tiên này, kim giây deadbeat seconds hoạt động như một bộ thoát thứ hai của bộ máy, giải phóng năng lượng sau mỗi giây. Bộ thoát này được cung cấp năng lượng bởi hộp cót chính, dao động ở tần số 4 Hz. Bánh răng hình ngôi sao ("star") điều chỉnh kim giây deadbeat seconds sau mỗi tám nhịp dao động của bộ thoát (tương đương 1 giây), mỗi nhịp quay đủ để truyền động năng vào một đòn bẩy tuyến tính gọi là “flirt”. Đòn bẩy này sẽ quay đủ 1 vòng cho đến khi bị bánh răng hình ngôi sao chặn lại và thông qua đòn bẩy này, kim giây của chiếc Geophysic True Second sẽ chuyển động tích tắc, giống hệt như đồng hồ quartz.

Cơ chế deadbeat seconds bên cạnh bánh xe cân bằng và bộ thoát của bộ máy JLC cal. 770. Ảnh - Jaeger-LeCoultre

Tuy nhiên, giải pháp này của Jaeger-LeCoultre cũng có điểm yếu, đó là bánh xe thoát sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên trục của nó, nơi có sự xuất hiện của bánh răng hình ngôi sao, và kế đến là áp lực dồn lên những chân kính giữ trụ bánh răng. Theo lý thuyết vật lý cơ bản, áp lực cao hơn thì ma sát cũng cao hơn, đồng nghĩa với năng lượng truyền đến lò xo cân bằng giảm đi, ảnh hưởng biên độ giao động của nó. Hay đơn giản hơn  là lượng cót trữ phải đủ khỏe, mô men xoắn cấp cho bộ thoát phải đều đặn và đồng hồ phải được lên cót hàng ngày, nếu không thời gian sẽ bị sai lệch càng lúc càng lớn.

Bộ máy cũng có một điểm đặc trưng của cơ chế deadbeat seconds: kim giây sẽ hơi tiến lên một chút trước khi "nhảy" sang giây tiếp theo, mặc dù rất khó để nhận ra bằng mắt thường. Điều này là không thể tránh khỏi do cấu tạo của bộ máy, cụ thể là khi bánh xe ngôi sao sẽ từ từ xoay theo cùng hướng với đòn bẩy, trước khi nhả ra để sang giây tiếp theo.

 

Bộ thoát thứ cấp (The secondary escapement)

Lấy cảm hứng từ những chiếc đồng hồ bỏ túi ở thế kỉ 18 và 19 và để giải quyết những vấn đề tồn đọng ở giải pháp star-and-flirt, nhà chế tác đồng hồ độc lập Petermann Bédat đã phát triển một bộ thoát thứ cấp được điều khiển bởi bánh răng thứ tư trên bộ bánh xe truyền. Trung tâm của bộ thoát thứ cấp là một mỏ neo 4 chấu với 4 chân kính phiến, biến dao động điều hòa của bánh răng trở thành nhịp kim giây đều đặn.

Bộ máy Petermann Bédat cal. 171 với cơ chế deadbeat seconds được điều khiển bởi một bộ thoát thứ cấp.

Bộ thoát đặc biệt này của Petermann Bédat dựa vào chuyển động qua lại hai bên của mỏ neo 4 chấu, có nhiệm vụ "khoá" và "mở khoá" mỗi bên bánh răng: khi bánh răng thứ tư xoay, bánh cóc bên trái sẽ xoay cùng với nó và trượt qua mỏ neo. Sự dao động của mỏ neo này sẽ làm cho hai mỏ đối diện của mỏ neo lần lượt "khoá" và "mở khoá" bánh cóc trữ cót bên đối diện, giúp kim giây nhảy từng giây một. Video - Petermann Bédat

Việc sử dụng một bộ thoát thứ cấp giúp deadbeat seconds hoạt động đã là một giải pháp quen thuộc trên những chiếc đồng hồ đeo tay, khi chúng đã được áp dụng trên chiếc Rolex Tru-Beat ra mắt năm 1954. Gần đây hơn, bộ thoát thứ cấp cho deadbeat seconds đã xuất hiện trên một số mẫu đồng hồ như De Bethune DB25T Zodiac hay Arnold & Son’s Dial Side True Beat.

Dù giải pháp này cho deadbeat seconds đơn giản hơn giải pháp đầu tiên, nhưng nó cũng không khiến những chiếc đồng hồ cơ deadbeat second rẻ hơn chút nào cả. De Bethune DB25T Zodiac có giá bán lẻ 275.000 USD, còn Geophysic True Second của Jaeger-LeCoultre thì có giá khoảng hơn 9.000 USD với phiên bản vỏ thép. Nhưng đáng chú ý hơn cả, có lẽ là Habring2 Erwin - chiếc đồng hồ deadbeat seconds có mức giá hợp lí nhất hiện nay, với chỉ 7.100 USD. Đặc biệt, Habring2 đã biến deadbeat seconds trở thành một tính năng làm nên thương hiệu của chính họ. Ngay từ khi được thành lập vào năm 2004, Habring2 đã giới thiệu những chiếc đồng hồ đầu tiên của hãng với cơ chế deadbeat seconds, được cung cấp năng lượng bởi bộ máy Chézard cal. 116.

Mặt sau của chiếc De Bethune DB25T Zodiac với bộ thoát thứ cấp cung cấp năng lượng cho cơ chế deadbeat seconds bên dưới chi tiết hình tam giác được thiết kế lộ máy.

Bộ thoát thứ cấp với vành dây tóc riêng, hai bánh xe thoát cùng con lắc đòn bẩy.

 

The one-second remontoir (Hệ thống cót phụ một giây)

The one-second remontoir, hay hệ thống cót phụ một giây là một giải pháp đáng chú ý khác cho deadbeat seconds. Phương pháp này giúp cho kim giây giật chuyển động mượt mà hơn, nhưng lại khó chế tác hơn rất nhiều. Thực tế, hệ thống này ra đời từ một trong những tính năng phức tạp nhất của đồng hồ cơ khí: cơ chế lực không đổi. Hệ thống cót phụ một giây được tùy chỉnh để dao động 1 giây một lần, tạo ra hiệu ứng kim giây deadbeat seconds. Nó cũng chia nhỏ và truyền đều đặn năng lượng đến bộ thoát nhờ dây cót phụ, giúp giảm sai số của bộ cót chính trong thời gian hoạt động, đảm bảo độ chính xác của một chiếc đồng hồ đeo tay và kéo dài thời gian dự trữ năng lượng.

Bên cạnh phiên bản một giây hỗ trợ deadbeat seconds, hệ thống cót phụ cũng có thể được chế tác để hoạt động trong một khoảng thời gian tuỳ ý nhờ vào thiết kế của đồng hồ hoặc bộ máy, chẳng hạn như chiếc Lange Zeitwerk - chiếc đồng hồ có hệ thống cót phụ 60 giây cung cấp năng lượng để hiển thị cơ chế nhảy phút. Ngoài ra, một số hệ thống cót phụ có thời gian dài hơn như Reuleaux - phát minh gắn liền với Derek Pratt trong nghệ thuật chế tác đồng hồ hiện đại, hay bộ phận chân kính trong chiếc Zeitwerk. Những hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp năng lượng chậm nhưng với độ chính xác cao hơn, giúp bộ máy có thể dễ dàng được tháo lắp và điều chỉnh.

Cơ chế lực liên tục trên chiếc Lange Zeitwerk.

Với cơ chế deadbeat seconds, hệ thống cót phụ được thiết kế để giải phóng năng lượng trong mỗi giây, vô tình giúp deadbeat seconds hỗ trợ hoạt động cho chính bộ cót phụ. Mục đích chính của một chiếc đồng hồ đó là độ chính xác của thời gian, và hệ thống cót phụ này cung cấp một lực vừa phải, đều đặn cho bộ thoát đồng hồ, giảm sai số của bộ máy khi hoạt động.

Trong hệ thống cót phụ một giây, kim giây được kết nối trực tiếp với bánh răng chính. Lúc này, cơ chế lực liên tục hoạt động thông qua một lò xo trung gian ngay trước bộ thoát (thường được kết nối với bánh răng thứ ba hoặc thứ tư), đồng thời cung cấp năng lượng vừa đủ cho 6 - 8 dao động (tương đương 1 giây, tuỳ thuộc vào tần số) cho bánh xe cân bằng. Lò xo trung gian này sẽ được ép lại trong những dao động đó và vào thời điểm gần hết 1 giây, một cơ chế nhả (tương tự như hệ thống star-and-flirt đã đề cập ở trên) sẽ giải phóng bánh răng chính để cung cấp năng lượng cho lò xo trung gian, đồng thời đẩy kim giây một nhịp về phía trước, tạo nên hình ảnh kim giây giật giống trên đồng hồ quartz.

Một ví dụ tuyệt vời về cơ chế deadbeat seconds "tự nhiên" đã từng xuất hiện ở chiếc F.P. Journe Tourbillon Souverain Vertical. Thay vì sử dụng lò xo xoắn phổ biến hơn, một lò xo lá được áp dụng để giữ lực căng trên đòn bẩy, giúp đòn bẩy có thể chuyển động qua lại, cung cấp lực liên tục cho bộ thoát.

Bộ máy cal. 1519 trong chiếc Tourbillon Souverain Vertical. Bạn hãy để ý đến lò xo phẳng, đòn bẩy và bánh cóc phía bên dưới. Cấu tạo của hệ thống cót phụ được thiết kế sao cho khi không có đủ năng lượng dẫn truyền từ dây cót chính đến lò xo lá, cót phụ sẽ tách ra và kim giây sẽ quét dọc theo, như chỉ báo đồng hồ đang cần được lên cót.

Thay vì sử dụng một "flirt" (đòn bẩy tuyến tính), đòn bẩy ở bộ máy cal. 1519 có một chân kính ở phía trên, giúp giải phóng năng lượng thông qua một bánh cóc, cho phép bánh răng di chuyển phía trước một răng mỗi giây. Điều này cho phép bộ cót chính điều khiển đòn bẩy bằng cách sử dụng lực của dây cót chính, lực này sẽ bổ sung năng lượng cho lò xo phẳng một năng lượng nhỏ và đều đặn, giúp chu kỳ hoạt động lại tiếp diễn.

Hình ảnh động về hệ thống cót phụ đang hoạt động, cho thấy đòn bẩy đang tác động đến bánh răng. Ảnh - F.P. Journe

Hình ảnh minh hoạ của hệ thống cót phụ bên trong chiếc Tourbillon Souverain Vertical

Bên cạnh chiếc Tourbillon Souverain Vertical, hệ thống cót phụ còn được sử dụng trên nhiều mẫu đồng hồ khác nhau của của F.P. Journe, từ chiếc Chronomètre Optimum với deadbeat seconds cho đến chiếc Vagabondage III có cơ chế nhảy giây.

Chiếc F.P. Journe Vagabondage III với cơ chế nhảy giây

 

The indirect one-second remontoir (Hệ thống cót phụ một giây gián tiếp)

Khi nói tới deadbeat seconds, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến A. Lange & Söhne. Bộ máy L094.1 trong chiếc Richard Lange Jumping Seconds tích hợp cơ chế giây nhảy cùng một hệ thống cót phụ, nhưng là với một bánh răng riêng biệt hoàn toàn. Đơn giản hơn, deadbeat seconds trở thành một cơ chế tách biệt, giống như trên chiếc Jaeger-LeCoultre Geophysic True Second, nhưng được xây dựng trên một bánh răng khác với bộ cót phụ riêng biệt. Ở đây, kim giây deadbeat seconds được tuỳ chỉnh bởi cót phụ, giúp nó liên kết với bánh răng chính.

Bánh răng chính của bộ máy L094.1 với hệ thống cót phụ (màu vàng) và cơ chế thoát phụ "star-and-flirt" (màu đỏ). Ảnh - A. Lange & Söhne

Từ hình ảnh sơ đồ trên, chúng ta có thể thấy sự tương đồng giữa hai cơ chế deadbeat seconds của A. Lange & Söhne và Jaeger-LeCoultre. Tuy nhiên, trong bộ máy L094.1 của A. Lange & Söhne, với bộ cót phụ được gắn trên bánh răng thứ ba, dây tóc chính đã được chặn lại trong khi bộ thoát tiếp tục thực hiện 6 nhịp dao động. Tại thời điểm gần cuối nhịp thứ 6, đòn bẩy tuyến tính được giải phóng lực khỏi bánh răng ngôi sao, đồng thời xoay 360 độ trước khi chạm vào răng tiếp theo của bánh răng.

Cơ chế deadbeat seconds của bộ máy L094.1 đang hoạt động. Hình động - A. Lange & Söhne

Chuyển động này của đòn bẩy cho phép kim giây deadbeat seconds tiến lên, đồng thời liên kết với dây cót chính để lặp lại chuyển động. Do đó, hệ thống thoát phụ star-and-flirt được sử dụng để kích hoạt deadbeat seconds đồng thời mở khoá bộ cót phụ, tương tự như hệ thống sử dụng bánh cóc của những phiên bản đồng hồ F.P. Journe.

 

Kết luận

Đối với cá nhân tác giả, kim giây deadbeat seconds nên được tách biệt và điều khiển trực tiếp bởi bộ cót chính thay vì gián tiếp như trong giải pháp cuối cùng đã nêu ở trên. Kim giây, kim phút và kim giờ nên được đồng bộ một cách hoàn hảo thông qua bộ cót phụ thay vì tích hợp trực tiếp deadbeat seconds vào bộ máy chính.

sp_erwin-pilot

Có thể nói, deadbeat seconds đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật chế tác đồng hồ cơ khí. Cơ chế này cho thấy việc theo đuổi những phương pháp hiển thị thời gian khác nhau là một trong những điều thú vị nhất của nghệ thuật chế tác đồng hồ cơ khí. Deadbeat seconds là chức năng chỉ dành cho những nhà sưu tầm sành sỏi và chuyên sâu bậc nhất: ít ứng dụng thực tiễn nhưng là một ví dụ điển hình của sự kết hợp giữa kĩ thuật chế tác đỉnh cao và vẻ đẹp thẩm mỹ của một chiếc đồng hồ.

Sản phẩm liên quan
loading