THE JOURNAL WATCHES
Giải mã cơ chế vành tóc Spirate mới nhất của Omega trên chiếc Speedmaster SuperRacing
Vài tuần trước, Omega đã cho ra mắt chiếc Speedmaster SuperRacing hoàn toàn mới gây chú ý cho giới mộ điệu. Ngoài thiết kế bắt mắt, bước tiến kỹ thuật bên trong bộ máy là điểm nhấn đang chú ý hơn cả, đó là cơ chế Spirate. Đây là công nghệ mới nhất từ Omega, cho phép siêu vi chỉnh sai số của bộ máy về mức 0/+2 giây mỗi ngày. Đặc biệt, Omega đang có kế hoạch áp dụng cơ chế Spirate này trên tất cả các mẫu đồng hồ Omega trong tương lai.
Bài viết được thực hiện bởi Anthony Traina, chuyên gia có kinh nghiệm gần 10 năm về lĩnh vực đồng hồ. Ông là tác giả của nhiều bài viết chuyên sâu về đồng hồ trên chuyên trang Hodinkee.
Là một chuyên gia về đồng hồ thay vì một watchmaker, tôi đã quyết định gọi điện cho Giám đốc kỹ thuật của Hodinkee - Travis Hines - nhằm tìm hiểu sâu hơn về cơ chế Spirate. Vì sao Spirate được xem như một bước tiến lớn về mặt kỹ thuật của đồng hồ cơ khí? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quay trở về định nghĩa ban đầu và các phương pháp truyền thống của cơ chế hiệu chỉnh trên bộ máy đồng hồ.
Đầu tiên, chúng ta cùng đến với khái niệm hiệu chỉnh của bộ máy đồng hồ.
Hines giải thích: “Hiệu chỉnh bộ máy đơn giản là thay đổi tốc độ dao động của bánh xe cân bằng. Điều này thường được thực hiện bằng cách thay đổi “độ dài hoạt động” của dây tóc. Khi đó, dây tóc sẽ thay đổi lực quay của bánh xe cân bằng trước khi lò xo kéo dây tóc trở lại theo hướng khác. “Bằng cách hiệu chỉnh, chúng ta sẽ tăng hoặc giảm độ dài dây tóc để đồng hồ chạy nhanh hơn hoặc chậm hơn.
Ngày nay, có hai phương pháp phổ biến để hiệu chỉnh đồng hồ.
Một bộ máy Nomos với cơ chế hiệu chỉnh truyền thống
“Phương pháp đầu tiên mà bạn thường thấy đó là áp dụng các chỉ số để hiệu chỉnh”, Hines nói, “Đây là vẫn là cách thức hiệu chỉnh được nhiều thương hiệu sử dụng rộng rãi ngày nay. Thông thường, hai chốt định hướng được sử dụng để giữ dây tóc và khi người đeo điều chỉnh cần, chiều dài hoạt động của dây tóc trên bánh xe cân bằng sẽ được rút ngắn. Đây là phương pháp truyền thống để hiệu chỉnh đồng hồ.
Bánh xe cân bằng của Rolex cùng ốc vít hiệu chỉnh Microstella
Phương pháp hiệu chỉnh phổ biến khác là bánh xe tự do (free-sprung), chi tiết thường thấy trong hệ thống Microstella của Rolex hay Gyromax của Patek Philippe. Tuy vậy, điều này có nghĩa lò xo sẽ không có chốt hiệu chỉnh. “Thay vào đó, chúng tôi sẽ dựa vào trục cân hoặc ốc vít trên chính bánh xe cân bằng để điều chỉnh dao động”, Hines nói, “Hãy nghĩ về các trục cân trên bánh xe cân bằng. Chúng sẽ tương tự như những vận động viên trượt băng nghệ thuật: họ sẽ lướt đi với tốc độ nhanh hơn khi thu mình lại. Ngược lại, họ sẽ giang cánh tay ra nhằm giảm tốc độ di chuyển trên băng. Chúng tôi đang làm điều tương tự với các ốc vít trên trục cân. Khi di chuyển gần đến trung tâm bánh xe cân bằng, tốc độ của trục cân sẽ tăng lên, từ đó thời gian sẽ trôi nhanh hơn. Ngược lại, thời gian sẽ chậm lại khi trục cân di chuyển cách xa khỏi bánh xe cân bằng.
Ok, nhưng điều đó có liên quan gì đến Omega? Omega sử dụng loại bánh xe cân bằng nào?
Dây tóc Omega Si14 tiêu chuẩn
Omega đã giới thiệu dây tóc silicon mang tên Si14 lần đầu năm 2008, khi các thương hiệu lớn cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng dây tóc bằng silicon vì những lợi ích của nó so với hợp kim truyền thống là Nivarox, chẳng hạn như khả năng kháng từ và chịu được nhiệt độ cao. Kể từ đó, Omega đã sử dụng hệ thống bánh xe tự do trên vành tóc silicon. Nhưng điều này đem lại những khó khăn nhất định.
“Vấn đề lớn nhất đó là khi bạn phải cực kì chính xác khi thay đổi trọng lượng của bánh xe”, Hines nói. “Nếu sai lệch dù chỉ một phần milimet thì cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ dao động của cả hệ thống. Với cơ chế Spirate mới, bộ cân bằng sẽ được làm mới và bạn có thể sử dụng hệ thống dây tóc để hiệu chỉnh đồng hồ.”
Hệ thống Spirate hoạt động bằng cách gắn một “lưỡi dao” linh hoạt vào dây tóc để có thể dễ dàng điều chỉnh nhằm tác động đến độ căng của dây tóc.
Hệ thống Spirate được gắn một “lưỡi dao” vào dây tóc (bộ phận nhỏ bên dưới biểu tượng Omega). Lưỡi dao này gắn với dây tóc và phần đuôi của nó kết hợp với một cầu cân bằng. Sau đó, điểm tiếp xúc này có thể được hiệu chỉnh bằng một chi tiết có hình dáng như một đầu ốc vít (hình dưới). Chìa khoá để hiểu cách thức hoạt động của cơ chế Spirate là: bạn có thể thêm hoặc bớt lực căng từ chi tiết lưỡi dao này khi nó kết nối với dây tóc, từ đó độ cứng của dây tóc có thể được hiệu chỉnh.
Trong bức ảnh trên, hệ thống Spirate được khoanh tròn màu đỏ. Mũi tên màu đỏ và xanh lá chỉ vào chi tiết lưỡi dao tác động lên dây tóc. Bạn có thể thấy hai chi tiết quan trọng gắn ở phần dưới của lưỡi dao này. Phần đầu tiên dày hơn dây tóc, trong khi phần thứ hai mỏng hơn, uốn cong và ôm lấy một cần hiệu chỉnh (có khắc dấu “+/-”) và cầu cân bằng (có khắc “0.1 s/d”).
Theo Hines, dường như cần hiệu chỉnh và cam ốc cho phép người đeo điều chỉnh được dây tóc bộ máy: cần hiệu chỉnh được thiết kế cho mức chỉnh tối đa, trong khi cam ốc cho phép người đeo hiệu chỉnh độ chính xác lên đến 1/10 giây - vượt qua tiêu chuẩn sai số 0/+2 giây mỗi ngày của Omega. Khi bạn hiệu chỉnh điểm tiếp xúc trên hệ thống Spirate trên cầu cân bằng, phần đuôi của linh kiện này sẽ đẩy hoặc kéo nhằm thêm/bớt lực căng cho dây tóc.
Cam ốc cho phép người dùng thực hiện các điều chỉnh nhỏ đến mức thợ đồng hồ không bao giờ có thể tái tạo được bằng tay hay các phương pháp hiệu chỉnh truyền thống. Thông số được in bên ngoài bộ cam ốc nhằm hướng dẫn người đeo cách hiệu chỉnh khi sử dụng cơ chế Spirate.
“Đây là chức năng mà tôi cảm thấy rất thú vị, bởi tôi yêu thích chứng kiến những cải tiến kỹ thuật mới”, Travis nói. “Về cơ bản, Omega đã sáng tạo ra một cơ chế hiệu chỉnh thứ ba, đó là thay vì điều chỉnh trọng lượng của quả văng, họ hiệu chỉnh độ căng của chính lò xo cân bằng. Khi lò xo trở nên cứng hơn, nó sẽ khiến bánh xe cân bằng chạy nhanh hơn và ngược lại, chậm hơn khi lò xo được nới lỏng.
Hệ thống Spirate cho thấy sự cải tiến lớn so với phương pháp hiệu chỉnh bộ máy hiện tại của Omega, giúp ích cho chính Omega và khách hàng của họ.
Theo Hines, phương pháp điều chỉnh trọng lượng trên bánh xe cân bằng hiện tại để điều chỉnh bộ máy là một cách thức khó khăn đối với Omega. Không chỉ là một trong những lời phàn nàn phổ biến nhất từ khách hàng khi đồng hồ chạy nhanh hoặc chậm, mà còn đến từ sự rườm rà của phương pháp này. Rất khó để hiệu chỉnh một cách chuẩn xác, đồng thời phải sử dụng các công cụ chuyên dụng và nếu bạn vô tình làm đứt hoặc gãy dây tóc, bạn sẽ phải thay thế toàn bộ cơ chế cân bằng của bộ máy đồng hồ.
“Tôi nghĩ điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các Trung tâm bảo hành hay các boutique của Omega trên toàn thế giới, bởi các điểm hiệu chỉnh này hoàn toàn tách biệt và giúp bạn phòng tránh tối đa các trường hợp vô tình làm đứt, gãy dây tóc.” Với Spirate, Omega đã thiết kế sao cho việc hiệu chỉnh trở nên dễ dàng và bất kỳ ai tại boutique của Omega cũng có thể thực hiện được, đồng thời giảm rủi ro có thể xảy ra với bộ máy đồng hồ (đặc biệt là dây tóc) xuống mức tối thiểu.
Cơ chế Spirate của Omega có thể đại diện cho một bước tiến vượt bậc về độ chính xác của kỹ thuật chế tác đồng hồ cơ khí.
Mặc dù Omega đã giới thiệu cơ chế Spirate trên chiếc Speedmaster SuperRacing mới ra mắt, nhưng họ cho biết việc công nghiệp hoá quy trình sản xuất Spirate trên tất cả các bộ máy Omega có thể diễn ra trong tương lai. Nếu Omega có thể làm được điều này và cơ chế Spirate hoạt động như mong đợi, đó sẽ là “một bước tiến vượt bậc về công nghệ trong lĩnh vực đo lường và hiển thị thời gian” - Hines nói.
“Tôi đặt sự kiện này gần như ngang bằng với việc chuyển từ sử dụng dây tóc thép xanh truyền thống sang dây tóc Nivarox,” Hines nói, đề cập đến quá trình chuyển đổi của các nhà sản xuất vào đầu thế kỉ 20 từ dây tóc bằng thép sang hợp kim Nivarox - loại dây tóc có khả năng chịu nhiệt tốt hơn và có thể kháng từ tính. “Đó là một bước tiến vượt bậc về khả năng chống từ tính của đồng hồ cơ khí. Tôi coi (hệ thống Spirate) là một bước ngoặt lớn hơn so với khi Omega chuyển từ dây tóc Nivarox sang dây tóc silicon vào năm 2008.”
“Tôi nghĩ cơ chế Spirate thực sự xuất sắc. Thật thú vị khi chứng kiến một sự thay đổi lớn và tạo bước ngoặt đến vậy trong một ngành công nghiệp ổn định, ít thay đổi như đồng hồ cơ khí.”
Đối thủ cạnh tranh
Tiếp theo, hãy đến với cuộc chạy đua trong khía cạnh về độ chính xác. Kể từ năm 2014, Omega đã thực hiện các bài test cho chứng nhận Master Chronometer cho các mẫu đồng hồ của mình. Để được công nhận Master Chronometer, các bộ máy của Omega trước hết phải có chứng chỉ COSC, sau đó sẽ được tập hợp và trải qua một quá trình nghiêm ngặt gồm 8 bài kiểm tra METAS, chủ yếu tập trung vào độ chính xác và khả năng kháng từ tính của bộ máy. Đây là quá trình kiểm tra và chứng nhận độc lập mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh của Omega đều không thể thực hiện, trong đó có chứng nhận "Superlative Chronometer" được cấp nội bộ của Rolex với độ chính xác +/-2 giây mỗi ngày. Hệ thống Spirate sẽ nâng tiêu chuẩn cho chứng nhận của Omega lên một tầm cao mới, với độ chính xác có thể lên đến 0/+2 giây mỗi ngày.
“Với sự kiện này, bất kì thương hiệu nào muốn cạnh tranh với Omega về độ chính xác, chẳng hạn như Rolex hay Zenith, tôi chắc chắn rằng họ đã và đang nghiên cứu một công nghệ mới tương tự như cơ chế Spirate.”, Hines nói.
Nguồn: Hodinkee