THE JOURNAL WATCHES
Rado HyperChrome Captain Cook - chiếc đồng hồ bán chạy nhất tại thị trường Mỹ
(Bài viết của Jason Heaton - Hodinkee)
Cách đây hơn 3 năm, sự kiện Baselworld 2017 là nơi hội tụ của những chiếc đồng hồ tuyệt vời nhất, đặc biệt đối với những người đam mê dòng đồng hồ lặn và thể thao. Tôi có thể liệt kê hàng loạt các mẫu đồng hồ đáng chú ý như bộ ba Speedmaster, Seamaster 300 và Railmaster của Omega, chiếc Fifty Fathoms “Tribute to Mil-Spec” của Blancpain, Oris Chronoris, một vài chiếc Tudor Black Bays hay phiên bản Sea-Dweller mới nhất của Rolex. Tuy vậy, chiếc đồng hồ nằm lại trong tâm trí tôi lâu nhất kể từ lúc cách cửa hội trường Messe của Baselworld đóng lại, chính là Rado HyperChrome Captain Cook - chiếc đồng hồ đã từng nằm trong danh sách "best-selling watches" nhiều năm liền tại Mỹ. Sẽ không quá lời khi nói rằng đó là chiếc đồng hồ mà tôi yêu thích nhất trong sự kiện, và có thể là một trong ba chiếc luôn nằm trong "top-list" của cá nhân tôi kể từ thời điểm đó.
Phải thừa nhận rằng bản thân tôi cũng đã khá ngạc nhiên khi trót "phải lòng" phiên bản Captain Cook này của Rado. Thành thật mà nói thì Rado không phải là thương hiệu mà tôi dành sự chú ý nhiều. Điều này không phải vì họ không có những mẫu đồng hồ xuất sắc, mà bởi hầu hết các dòng đồng hồ của Rado đều không phải là gu của tôi. Rado được biết đến nhiều nhất với dòng đồng hồ mang phong cách hiện đại, kích thước nhỏ và thân vỏ được làm từ vật liệu công nghệ cao, điển hình là gốm (ceramic). Do đó, khi đứng giữa những chiếc đồng hồ nổi bật và mang phong cách đương đại tại Baselworld, phiên bản Rado Captain Cook đậm chất vintage lại càng trở nên khác biệt. Captain Cook không phải là thiết kế mới mẻ của Rado mà thay vào đó, nó được sáng tạo dựa trên mẫu đồng hồ Captain Cook huyền thoại, được ra mắt vào năm 1962.
Khoảng thời gian những năm 1960s của thế kỉ trước chính là kỷ nguyên vàng của đồng hồ lặn. Bản thân hoạt động lặn với bình dưỡng khí chỉ mới ra đời trước đó hai thập kỉ và chiếc đồng hồ lặn đầu tiên mới chỉ được ra mắt trước đó 10 năm khi Rado giới thiệu phiên bản đồng hồ Captain Cook. Mẫu Captain Cook đầu tiên không có gì khác biệt nhiều so với những chiếc đồng hồ lặn trong thời điểm đó: hiển thị ngày và giờ đơn giản với viền bezel xoay. Trong những năm 1960s, hầu hết các thương hiệu đều có những phiên bản đồng hồ lặn của riêng mình, từ Ulysse Nardin, Oris cho đến những thương hiệu ít tiếng tăm hơn như Titus hay Silvana. Rado đã đặt tên cho dòng đồng hồ lặn của mình dựa theo tên của nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh, thuyền trưởng James Cook, để gợi nhắc đến các chuyến thám hiểm khắp mọi ngõ ngách trên Trái đất của ông. Rado Captain Cook ban đầu không nhận được nhiều sự chú ý và đã bị đưa khỏi catalog của hãng. Tuy nhiên, với xu hướng mạnh mẽ của dòng đồng hồ lặn mang phong cách cổ điển lúc bấy giờ, Rado đã quyết định tập trung phát triển bộ sưu tập này.
Ngày nay, người ta đánh giá một chiếc đồng hồ lặn dựa trên những tiêu chí nào? Đeo nó trên tay khi lặn và thực hiện nhiều thao tác với viền bezel ư? Tôi đã từng làm như vậy với những chiếc đồng hồ lặn trước đây, nhưng Rado Captain Cook lại là ngoại lệ. Phiên bản Captain Cook mới nhất này trung thành với thiết kế nguyên bản đến mức, tôi gần như có cảm giác đang cầm trên tay chiếc Captain Cook của năm 1962 vậy. Tính nguyên bản được thể hiện ở bộ dây đeo bằng da bò có kích thước 19 mm, với những đường khâu tỉ mỉ và chắc chắn. Mặt số đồng hồ có đường kính 37.3 mm, núm vặn đẩy nằm bên thân vỏ và viền bezel quen thuộc, tất cả đã khiến Captain Cook thực sự là một chiếc đồng hồ thể thao vintage dành cho mọi loại trang phục, có thể đeo trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ là một chiếc đồng hồ lặn thông thường.
Kích thước mặt số của Rado Captain Cook có thể tương đối nhỏ, nhưng nếu xét về tính năng, Captain Cook không hề thua kém bất kì mẫu đồng hồ lặn nào. Viền bezel bằng thép trên mặt số có hình dáng hơi lõm xuống, nhô ra ngoài thân vỏ một chút tạo nên dáng vẻ khoẻ khoắn, hiện đại. Thiết kế viền bezel này không thường thấy ở những mẫu đồng hồ Rado trước đây và giống với kiểu dáng của chiếc Breitling Superocean trong những năm 1950s. Phần bezel này được làm từ hợp kim gốm chống xước, có độ bền cực cao. Với các vạch số to, rõ ràng và lớp dạ quang siêu sáng, người đeo có thể dễ dàng theo dõi thời gian và thực hiện các thao tác trên viền bezel này, bất kể ngày và đêm.
Mặt kính sapphire hình vòm cùng các vạch số, kim chỉ có kích thước lớn là những điểm nhấn trên chiếc Rado Captain Cook.
Chiếc Captain Cook có mặt số được bao phủ bởi mặt kính sapphire hình vòm, hơi nhô lên giống như hình dáng mặt kính mà chúng ta thường thấy ở những chiếc TAG Heuer hay Oris trước đây. Phần mặt số cũng cong và nhô lên một chút - chi tiết hiếm thấy ở những chiếc đồng hồ có mức giá khoảng 2000 USD. Màu sắc của mặt số cũng là điều đặc biệt ở Rado Captain Cook: màu xám pha chút ánh nâu đầy mê hoặc, gợi liên tưởng đến một chiếc đồng hồ cổ điển đã nhuốm màu thời gian, đeo trên tay của một thuỷ thủ trong những năm 60 của thế kỉ trước.
Để kết hợp hài hoà với tông màu đậm chất vintage của mặt số, các vạch số của đồng hồ được sơn một lớp màu nằm đâu đó giữa xanh lá và vàng. Nhiều người cho rằng gam màu này giống như một lớp patina đơn giản nhưng với tôi, đây là một màu sắc hoàn hảo và có tính ứng dụng cao, giúp cho chủ nhân có thể xem giờ dễ dàng ngay cả khi đang ở trong những môi trường ít ánh sáng như rạp chiếu phim hay nhà hát. Tương tự như phiên bản gốc năm 1962, lịch ngày là sự kết hợp giữa màu đỏ và trắng, bên cạnh logo Rado màu đỏ tươi ở vị trí 12 giờ. Hình mỏ neo trên logo sẽ xoay khi đồng hồ di chuyển - một yếu tố marketing thú vị mà Rado đã sử dụng trong nhiều năm. Bên cạnh mặt số và viền bezel đậm chất vintage, kim giờ và phút cũng là điểm đáng chú ý của chiếc Captain Cook với kim giờ hình mũi tên cỡ lớn và kim phút tương tự như một thanh kiếm.
Với bộ máy đồng hồ, tôi đã tham khảo lại bài viết của Michael Stockorn về bộ máy của phiên bản Captain Cook năm 1962. Tôi nhận ra rằng bên cạnh việc sử dụng vỏ gốm và mặt kính sapphire, bộ máy đồng hồ là chi tiết mà Rado đã nâng cấp ở chiếc Captain Cook lần này. Ban đầu, phiên bản năm 1962 sử dụng bộ máy A. Schild - bộ máy đồng hồ quen thuộc ở thời điểm đó nhưng lần này, Rado đã tận dụng ưu thế của tập đoàn Swatch để sản xuất C07.611 - một bộ máy ấn tượng được lắp ráp bởi ETA.
Bên trong lớp vỏ với biểu tượng cá ngựa đặc trưng là bộ máy ETA C07.611 dự trữ năng lượng đến 80 giờ.
C07.611 là bộ máy cơ bản, thường được Tissot sử dụng dưới cái tên Powermatic 80 trong một số mẫu đồng hồ của hãng, có nguồn gốc từ một loại bộ máy trước đây là 2824-2. Nó có khả năng dự trữ năng lượng 80 giờ khi đeo và theo ETA, đây là thành quả của việc thiết kế lại thùng chứa cót và sử dụng bộ thoát có ma sát thấp trong bộ máy. Bộ thoát này được làm từ "ARCAP" - một loại hợp kim của đồng, niken và kẽm. Vật liệu này có khả năng chống từ tính vô cùng cao và độ ma sát thấp. Chỉ cần một vài chi tiết như vậy cũng đủ để thấy rằng, với một chiếc đồng hồ trong tầm giá của Rado Captain Cook, C07.611 là bộ máy có chất lượng rất cao. Sau khi đeo trên cổ tay một vài tuần, tôi nhận thấy rằng chiếc Captain Cook chỉ chênh lệch vài giây/ngày, một hiệu suất tuyệt vời.
Bên cạnh hiệu suất hoạt động và các tính năng khác, điểm đáng lưu ý của chiếc Captain Cook là kích thước của nó. Nhiều người thắc mắc rằng size 37.3 mm liệu có quá nhỏ với một chiếc đồng hồ có giá $1,900? Ban đầu tôi đã nghĩ là có. Bởi cổ tay của tôi có kích cỡ khoảng 7,5 inch (19 cm) và chiếc đồng hồ nhỏ nhất tôi từng sở hữu có kích thước 38 mm. Kích cỡ mặt số của những chiếc đồng hồ tôi đã từng đeo nằm trong khoảng 40 - 42 mm. Sau khi đeo tay chiếc Glycine Airman No.1 có có mặt số 36 mm trước đây, tôi đã đi đến kết luận rằng về lâu dài, những chiếc đồng hồ nhỏ như vậy không dành cho mình.
Viền bezel của đồng hồ được làm từ hợp kim ceramic chống xước.
Vậy làm thế nào để "tăng" thêm 1.3 mm nữa khi đeo chiếc Captain Cook? Câu trả lời nằm ở các chi tiết trên thiết kế đồng hồ. Phông số lớn của vạch số, các kim chỉ giờ, phút có kích thước dày cùng với viền bezel nổi bật khiến cho Captain Cook trông lớn hơn nhiều so với kích cỡ 37.3 mm. Mặc dù khoảng cách giữa hai đầu lug bắt dây của đồng hồ là hơn 43 mm, chiếc Captain Cook vẫn là một chiếc đồng hồ nhỏ, phù hợp với cổ tay của cả nam và nữ. Hãy nhớ rằng mẫu đồng hồ này có kích thước tương đương với rất nhiều dòng đồng hồ cổ điển được yêu thích như Zodiac Sea Wolf (size 35 mm) hay Blancpain Bathyscaphe. Trên thực tế, thân vỏ của phiên bản Captain Cook mới này đã được cải tiến từ thân vỏ size 35mm của chiếc Captain Cook năm 1962. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn của chiếc Captain Cook, giúp chúng phù hợp với nhiều loại cổ tay nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ điển cho dòng đồng hồ này.
Chiếc Rado HyperChrome Captain Cook được ra mắt vào thời điểm mà thị trường đồng hồ lặn cổ điển cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, bạn sẽ khó có thể tìm thấy một mẫu đồng hồ tương tự mà chỉ trong tầm giá 2000 USD như chiếc Captain Cook. Nếu như phiên bản giới hạn của chiếc Doxa 50th Anniversary SUB 300 có giá 2500 USD, thì mẫu đồng hồ SLA017 mới đây của Seiko có giá lên tới 4000 USD, mặc dù đây cũng dựa trên thiết kế nguyên bản từ năm 1965.
Đối với tôi, việc tái hiện lại tất cả các mẫu đồng hồ cơ khí dựa trên thiết kế nguyên bản từ trước đây đang trở thành một xu thế mới trong ngành công nghiệp đồng hồ. Điều này giúp chúng ta có cơ hội được đeo trên tay những thiết kế đồng hồ huyền thoại trong quá khứ, mang đậm tính lịch sử mà chúng ta chưa có dịp sở hữu. Đeo trên tay chiếc HyperChrome Captain Cook là trải nghiệm tuyệt vời với những ai yêu thích phiên bản Captain Cook 1962 nói riêng, đồng thời có niềm đam mê lớn tới các thiết kế cổ điển trong thời kỳ hoàng kim của đồng hồ lặn nói chung.
Gần như những gì tinh tuý nhất của kỷ nguyên vàng đồng hồ lặn trong quá khứ đều hội tụ trên chiếc đồng hồ này.
Rado HyperChrome Captain Cook phiên bản giới hạn 1962 chiếc trên toàn thế giới, có giá bán chính hãng 48 triệu đồng và đang có sẵn tại hệ thống cửa hàng của Miluxe Boutique.