THE JOURNAL WATCHES
Omega thiết lập chuẩn mực mới về độ chính xác của đồng hồ cơ khí
Bài viết được thực hiện bởi Matthew Lopez, chuyên gia đồng hồ với nhiều bài viết chuyên sâu trên SJX Watches.
Mới đây, Omega đã cho ra mắt chiếc Speedmaster Super Racing với bộ máy 9920 với công nghệ đặc biệt, thiết lập tiêu chuẩn mới về độ chính xác nhờ Spirate - hệ thống dây tóc độc quyền bằng silicon của Omega. Với độ sai lệch chỉ 0/+2 giây trong một ngày, bộ máy 9920 với dây tóc Spirate (viết tắt của vành tóc “Spiral” được làm từ silicon và “Rate” nghĩa là tần số) cho độ chính xác cực kỳ ấn tượng, đồng thời có khả năng siêu vi chỉnh tới 0,1 giây/ngày.
Chiếc Omega Speedmaster Super Racing với cơ chế dây tóc Spirate ấn tượng, cho phép khả năng vi chỉnh với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Thiết kế đặc biệt của dây tóc cho phép điều chỉnh độ chính xác của đồng hồ - khi người thợ chế tác điều chỉnh điểm gắn của dây tóc thông qua một ốc vít siêu nhỏ trên thanh cân bằng, giúp đồng hồ đạt được độ chính xác chưa từng có đối với một bộ máy sản xuất hàng loạt.
Dây tóc Spirate độc quyền, được cấp bằng sáng chế với khả năng vi chỉnh của Omega
Tầm quan trọng của độ chính xác
Trước đây, các cuộc thi về độ chính xác của đồng hồ được tổ chức bởi các đài thiên văn nổi tiếng tại Geneva, Neuchâtel, London và một số thành phố khác tại châu Âu. Đây là nơi các thương hiệu đồng hồ chứng minh chất lượng của độ chính xác trên đồng hồ của họ, với chứng nhận mang tên “Master Chronometers” dành cho người chiến thắng.
Cuộc thi của các đài thiên văn đã kết thúc ngay sau khi Seiko bắt đầu càn quét thị trường đồng hồ với bộ máy cơ khí của mình. Sau đó, độ chính xác của đồng hồ cơ hiếm khi được coi trọng kể từ khi Seiko tung ra chiếc đồng hồ quartz đeo tay đầu tiên vào năm 1969. Tiêu chuẩn của đồng hồ quartz giúp chúng sở hữu độ chính xác hơn ít nhất 10 lần những chiếc đồng hồ cơ khí tốt nhất. Đồng hồ quartz còn có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều, loại bỏ những chức năng cần thiết của một bộ máy cơ học.
Chiếc đồng hồ bỏ túi Patek Philippe Tourbillon giành chiến thắng trong cuộc thi về độ chính xác do Đài thiên văn Geneva tổ chức vào năm 1931
Ngày nay, chỉ có số ít thương hiệu đồng hồ khẳng định được chất lượng về độ chính xác trong thế giới đồng hồ cơ khí. Nhiều thương hiệu đã cho ra ắt những mẫu đồng hồ với độ chính xác cao, nhưng không nhiều thương hiệu chứng minh được điều đó bằng chứng nhận chính thức, chẳng hạn như chứng chỉ do Contrôle Officiel Suisse des Chronomètres (hay còn gọi là COSC) cung cấp. COSC chỉ được cấp cho những bộ máy chưa được nằm trong vỏ đồng hồ. Một số tổ chức còn cung cấp các chứng chỉ toàn diện hơn bằng cách thử nghiệm, kiểm tra đồng hồ sau khi hoàn chỉnh như các đài thiên văn tại Geneva hay Besançon.
Bước ngoặt của thử nghiệm đo độ chính xác của đồng hồ xuất hiện khi chứng chỉ Master Chronometer ra đời. Được áp dụng lần đầu bởi Omega, Master Chronometer là sự kết hợp giữa thử nghiệm COSC với bộ máy không vỏ, sau đó chiếc đồng hồ hoàn chỉnh sẽ được kiểm tra một lần nữa tại phòng thí nghiệm do Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS) giám sát. Trong quy trình này, đồng hồ cũng được đo đạc khả năng kháng từ tính lên đến 15,000 gauss. Gần một thập kỷ sau khi ra đời, chỉ có hai thương hiệu sở hữu chứng chỉ Master Chronometer: Omega và Tudor.
Chiếc Tudor Black Bay Ceramic - mẫu đồng hồ duy nhất của thương hiệu có chứng chỉ Master Chronometer
Những “nhà vô địch” về độ chính xác trong lịch sử
Rolex là cái tên tiên phong trong việc đưa độ chính xác của bộ máy là yếu tố chủ chốt trong hoạt động marketing của mình, kể từ khi thương hiệu bắt đầu đưa dòng chữ “Superlative Chronometer Officially Certified” lên mặt số của những mẫu đồng hồ được chứng nhận COSC. Tuy nhiên, vì quy trình COSC chỉ kiểm tra bộ máy trước khi đưa vào bên trong vỏ, mọi chiếc đồng hồ Rolex đều phải trải qua một bài kiểm tra do chính Rolex thực hiện. Quy trình kiểm tra được thực hiện ở mức độ nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn COSC, giúp nó được công nhận tương đương với Master Chronometer.
Với tên gọi Superlative Chronometer, tiêu chí chứng nhận nội bộ của Rolex yêu cầu độ sai lệch tối đa +2/-2 mỗi ngày tương đương với phạm vi tối đa là 4 giây. Mặt khác, COSC chỉ yêu cầu chênh lệch +6/-4 giây mỗi ngày, tương đương 10 giây bắt nguồn từ tiêu chuẩn ISO 3159, tương đương với “chronometer”.
Nhược điểm duy nhất của Superlative Chronometer là quá trình thử nghiệm đồng hồ hoàn chỉnh được thực hiện nội bộ của Rolex - phần nào đó thiếu tính khách quan nếu so sánh với chứng chỉ Master Chronometer được giám sát và cấp bởi METAS.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
Trong một động thái mới nhất, Rolex đã bắt đầu thực hiện quy trình của chứng nhận Master Chronometer vào tháng 5/2021, nhưng chỉ dành cho một mẫu đồng hồ duy nhất từ thương hiệu con Tudor. Động thái này dường như là một thông điệp dành cho Omega và Swatch Group - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Rolex.
Sự xuất hiện của Tudor Master Chronometer ngụ ý rằng Rolex không cần chứng nhận chính thức từ một tổ chức trung lập nhằm chứng minh độ chính xác của những bộ máy đồng hồ của mình. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy Master Chronometer hoàn toàn nằm trong tầm với của những thương hiệu con với mức giá thấp hơn.
Hai năm trôi qua, Tudor vẫn chỉ có một mẫu đồng hồ duy nhất sở hữu chứng nhận Master Chronometer. Một số người đã tự hỏi rằng liệu việc Rolex áp dụng Master Chronometer với Tudor có phải chỉ đơn giản cho thấy chứng chỉ này không có gì đặc biệt, hay vì lí do nào khác mà chúng ta không thể chắc chắn.
Chiếc Tudor Master Chronometer
Mặt khác, 95% bộ máy của Omega được chứng nhận Master Chronometer (với hầu hết đều được trang bị bộ thoát Co-Axial), tương đương với khoảng 500,000 chiếc đồng hồ, trong khi những bộ máy cơ khí còn lại của hãng sở hữu chứng chỉ COSC. Quy trình thử nghiệm Master Chronometer đối với đồng hồ Omega nằm trên quy mô lớn, trái ngược so với số lượng vài nghìn chiếc được chứng nhận Master Chronometer của Tudor.
Với sự ra mắt của hệ thống dây tóc Spirate, Omega vừa tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến về độ chính xác giữa các thương hiệu đồng hồ lớn nhất Thuỵ Sĩ. Phản ứng của Rolex trước sự kiện này là rất đáng để chờ đợi.
Nguồn: SJX Watches