Giỏ hàng
Sale Extra từ MILUXE Shop Now

THE JOURNAL WATCHES

Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium 6000M - chiếc đồng hồ của những kỷ lục

Bài viết được thực hiện bởi Brice Goulard - chuyên gia có nhiều bài viết chuyên sâu về đồng hồ trên chuyên trang Monochrome.

Ra đời năm 1948, Seamaster là dòng đồng hồ bền bỉ bậc nhất mà Omega từng sản xuất. Được sinh ra như một chiếc đồng hồ thể thao đơn thuần nhưng nhờ độ bền và chính xác đạt tiêu chuẩn quân đội, Seamaster Diver đã được thử nghiệm và cải tiến liên tục, không ngừng nâng cao giới hạn về khả năng chống nước cũng như độ bền của vật liệu. Mới đây, chiếc Planet Ocean Ultra Deep Professional, một thiết kế đồng hồ nguyên mẫu để thử nghiệm của Omega, đã phá kỷ lục chống nước với độ sâu tối đa 15,000 mét và được kiểm tra thực địa ở độ sâu khổng lồ 10,928 mét tại vực Mariana, nơi sâu nhất của Trái đất. Omega đã cho ra mắt phiên bản thương mại của mẫu đồng hồ này, không khác biệt nhiều so với bản gốc có tên Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium, với khả năng chống nước ở độ sâu 6,000 mét.

Seamaster, từ Lake Biel đến rãnh Mariana

Câu chuyện về Omega Seamaster bắt đầu vào năm 1932 với sự ra đời của Omega Marine, chiếc đồng hồ đầu tiên được sản xuất phục vụ cho các hoạt động dưới nước. Omega đã tạo ra một chiếc đồng hồ với kết cấu vỏ kép, kẹp chặt vào nhau khi áp suất bên ngoài tăng lên. Chiếc Omega Marine đã được thử nghiệm tại Lake Biel (nơi đặt trụ sở chính của Omega) và kết quả là chịu được áp suất 13 bar (130 mét).

Chiếc Omega Marine 1932 - chiếc đồng hồ lặn đầu tiên trong lịch sử

Năm 1948, chiếc Seamaster đầu tiên xuất hiện có tên CK 2518, được sản xuất nhằm kỉ niệm 100 năm thành lập thương hiệu Omega. Là chiếc đồng hồ có cải tiến mạnh mẽ so với Marine, CK 2518 là phiên bản sở hữu công nghệ tiên tiến mà Omega đã sử dụng trên những mẫu đồng hồ chuyên dụng trong Thế chiến II. Seamaster không chỉ là một chiếc đồng hồ lặn đơn thuần, đồng hồ còn có khả năng chống bụi và chống thấm nước tốt, có thể sử dụng trong nhiều điều kiện khắc nghiệt.

Chiếc Seamaster 300 CK2913 mang tính biểu tượng, đồng thời là mẫu đồng hồ lặn chuyên nghiệp đầu tiên của Omega

Trong khi Blancpain, Rolex và nhiều thương hiệu khác giới thiệu những mẫu đồng hồ lặn đầu tiên vào đầu những năm 1950s, thì Omega tham gia cuộc chơi muộn hơn một chút khi giới thiệu chiếc Seamaster 300 CK 2913 vào năm 1957. Seamaster 300 là mẫu đồng hồ lặn xuất sắc với khả năng chống nước ấn tượng, vành bezel xoay, mặt số dạ quang, thiết kế vỏ bền bỉ và đặc biệt là khả năng thoát khí helium - một trong những yếu tố quan trọng cần có của một chiếc đồng hồ lặn ngày nay. Sau Seamaster 300, Omega tiếp tục giới thiệu Ploprof 600, mẫu đồng hồ lặn chuyên nghiệp đầu tiên được làm chế tác từ thép không gỉ 904L, sau này được biết đến với tên gọi thép Uranus. Loại vật liệu này rất cần thiết đối với những thợ lặn chuyên nghiệp thực hiện hàn kim loại dưới biển, bởi thép 304L thông thường sẽ bị gỉ sau vài giây và không phù hợp trong những hoạt động như vậy. Điều này một lần nữa chứng tỏ kỹ thuật bậc thầy của Omega trong chế tác vật liệu.

Sau thành công của Seamaster 300 và Ploprof 600, Omega nhanh chóng trở thành cái tên nổi tiếng trong thế giới đồng hồ lặn. Thành tựu mới nhất đến từ một chiếc đồng hồ lặn Omega chính là Planet Ocean Ultra Deep Professional - mẫu đồng hồ được áp dụng công nghệ ấn tượng tương tự chiếc tàu ngầm Five Deeps Expedition với khả năng chống nước ở độ sâu 15,000 mét. Chiếc đồng hồ này đã được thử nghiệm bên ngoài thực địa vào tháng 5/2019 khi cùng đoàn thám hiểm đặt chân đến điểm sâu nhất của Trái đất - vực thẳm Challenger tại rãnh Mariana - ở độ sâu 10,928 mét - cùng phi công Victor Vescovo.

Như lẽ tất yếu, Omega đã chính thức tung ra phiên bản thương mại của Planet Ocean Ultra Deep Professional ra thị trường có tên Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium. Hầu hết các thông số kỹ thuật và thiết kế của phiên bản này đều tương tự như bản gốc, cùng với đó là khả năng chống nước ở độ sâu lên tới 600 bar (6,000 mét). Đặc biệt, mẫu đồng hồ này còn sở hữu công nghệ độc quyền hoàn toàn mới của Omega có tên O-MegaSteel.

Cận cảnh Planet Ocean Ultra Deep Titanium

Về cơ bản, chiếc Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium là phiên bản thu nhỏ của chiếc đồng hồ đã đi tới điểm sâu nhất của Trái đất. Hầu như tất cả các chi tiết thiết kế và bộ máy của bản gốc đều xuất hiện trên mẫu đồng hồ này.

Thân vỏ đồng hồ được làm từ titanium cấp 5 và hoàn thiện bằng kỹ thuật sandblasted. Để đạt được khả năng chống nước 600 bar, hay 6,000 mét (thêm 25% biên độ an toàn, có nghĩa trong thực tế đồng hồ được thử nghiệm ở độ sâu 750 bar - 7,500 mét), Omega đã phải thiết lập những quy chuẩn hoàn toàn mới và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên chiếc Planet Ocean Ultra Deep Titanium. Điều thú vị là những công nghệ này đều xuất hiện ở chiếc tàu ngầm Five Deeps Expedition. Planet Ocean Ultra Deep Titanium là mẫu đồng hồ có kích thước vỏ lớn: đường kính 45.5mm, độ dày 18.12mm và kích cỡ lug-to-lug lên tới 56mm - những con số cho thấy đây là một chiếc “tool watch” thực thụ. Chắc chắn đây không phải là chiếc đồng hồ để bạn đeo hàng ngày, hoặc ít nhất là để bạn đeo khi đi làm tại văn phòng. Vỏ đồng hồ được chế tạo dựa trên thiết kế nguyên bản của phiên bản phá kỷ lục độ sâu, từ những đường nét nhỏ nhất như phần càng Manta tích hợp thân vỏ hay tỉ lệ vỏ bất đối xứng độc đáo.

Chất liệu vỏ đồng hồ là titanium cấp 5 được hoàn thiện sandblasted toàn bộ bề mặt vỏ, mặt dưới, vành bezel cùng núm vặn. Bề mặt vỏ có màu xám lì, phía trên là vành bezel xoay một chiều được làm từ ceramic. Vạch số trên bezel có màu xám bạc, được làm bằng công nghệ Liquidmetal. Để đạt khả năng chống nước 6,000 mét, mặt kính sapphire của đồng hồ có hình bán nón cùng độ dày lên đến 5.2mm, cho phép đồng hồ chịu được áp lực lớn dưới đáy biển. Vỏ đồng hồ được thiết kế ngăn khí helium, do đó Planet Ocean Ultra Deep Titanium không có núm vặn thoát khí helium (HEV) quen thuộc của bộ sưu tập Seamaster.

Mặt sau đồng hồ cũng được làm từ titanium, gắn chặt với thân vỏ chính bằng kết cấu hai phần chắc chắn. Biểu tượng cá ngựa, hoạ tiết sonar và các kí tự liên quan của đồng hồ được khắc bằng laser tại mặt đáy. Chất liệu mặt kính sapphire trên phiên bản này là một phát kiến mới của Omega, với tên gọi EFG. Không chỉ có hình dáng độc đáo, EFG còn được Omega chăm chút tỉ mỉ và đặc biệt cẩn thận trong quá trình chế tác, đảm bảo không có vết nứt dù là nhỏ nhất nào được phép xuất hiện trên bề mặt kính.

Mặt số của Planet Ocean Ultra Deep Titanium được thiết kế dựa trên nguyên mẫu năm 2019. Với chất liệu titanium phủ ceramic mặt số, các vạch số cùng kim đồng hồ được hoàn thiện chải tia và đính dạ quang siêu sáng Super-LumiNova. Cọc số 3, 6, 9 và 12 giờ là các chữ số La Mã có màu xanh lam, tương đồng với màu sắc của phần đầu kim giây. Bố cục các chi tiết mặt số mang hơi hướng cổ điển với kim giờ, phút, giây ở vị trí trung tâm. Lịch ngày được lược bỏ nhằm tăng tính tối giản cho thiết kế.

Bộ máy calibre 8912 của Planet Ocean Ultra Deep Titanium được chứng nhận ISO 6425 và dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra Master Chronometer của METAS (Viện Đo lường Liên bang Thuỵ Sĩ). Bộ máy gồm hai hộp trữ cót, bộ thoát Co-Axial và cơ chế kháng từ tính siêu mạnh đã xuất hiện trên hầu hết các mẫu đồng hồ của Omega. Calibre 8912 có tần số dao động 3.5Hz và 60 giờ dự trữ năng lượng. Tất cả đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về thông số mà Omega tự đặt ra.

Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium kết hợp cùng dây NATO sọc đen và xanh lam, được làm từ chất liệu polyamide có nguồn gốc 100% từ lưới đánh cá tái chế. Khoá và kẹp dây đều được làm từ titanium cấp 5.

Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium 6,000m là một phiên bản đồng hồ ấn tượng khác đến từ bộ sưu tập Seamaster của Omega. Đây chắc chắn là một trong những chiếc đồng hồ lặn chuyên nghiệp đáng chú ý nhất trên thị trường hiện nay.

Số lượng & giá bán

Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Titanium (ref. 215.92.46.21.01.001) có giá bán chính hãng 14,400 USD (tương đương 332 triệu VNĐ).

Miluxe là đại lý uỷ quyền chính thức của Omega tại Việt Nam.

Nguồn: Monochrome

Sản phẩm liên quan
loading