Giỏ hàng
Sale Extra từ MILUXE Shop Now

THE JOURNAL WATCHES

Lịch sử phát triển của OMEGA Speedmaster

OMEGA Speedmaster Professional, hay còn được gọi là “Moonwatch” hay “Speedy”, là một trong những thiết kế huyền thoại trong lịch sử đồng hồ cơ khí nói chung và dòng đồng hồ bấm giờ chronograph nói riêng. Speedmaster không chỉ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của OMEGA trong suốt 50 năm qua, mà còn là “nhân chứng sống” cho sự kiện vĩ đại nhất thế kỉ 20: lần đầu tiên con người đặt chân trên lên Mặt trăng.

Là chiếc đồng hồ đầu tiên được con người đeo lên Mặt trăng, nhắc đến Speedmaster là nhắc đến những bước tiến vĩ đại của loài người trong lĩnh vực du hành không gian. Hãy cùng Miluxe tìm hiểu về lịch sử phát triển của OMEGA Speedmaster qua bài viết từ chuyên mục The Reference Point trên Hodinkee.

Lịch sử của OMEGA Speedmaster Reference 2915-1

Bản vẽ thiết kế của OMEGA Speedmaster Reference 2915-1

Khi Speedmaster được ra mắt vào năm 1957, đồng hồ bấm giờ (chronograph) chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong doanh số bán đồng hồ của tất cả các thương hiệu, cho dù đó là OMEGA, Tag Heuer, Rolex, Vacheron Constantin hay Patek Philippe. Đồng hồ bấm giờ thường là công cụ được thiết kế dành riêng cho kỹ sư, kỹ thuật viên, bác sĩ hay vận động viên bởi tính năng bấm giờ không thực sự phổ biển cho đến những năm 1970s.

Đây chính là một phần lí do vì sao dòng đồng hồ chronograph của tất cả các thương hiệu đồng hồ, bao gồm cả OMEGA, đều được săn lùng và thèm muốn hơn nhiều so với các phiên bản đồng hồ thông thường khác. Ngoài ra, đồng hồ chronograph không chỉ có thiết kế độc đáo, ấn tượng mà còn có số lượng ít hơn đồng hồ ba kim cơ bản.

Thông tin quảng bá đầu tiên của chiếc OMEGA Speedmaster 1957

Trong tư liệu quảng bá đầu tiên của OMEGA Speedmaster vào năm 1957, chúng ta có thể thấy hai người đàn ông, trong đó một người đang lái xe, người còn lại đang đeo trên cổ tay "một thiết bị đo thời gian của OMEGA" (trích nguyên văn), cho phép người đeo có thể tính chính xác tốc độ di chuyển của chiếc xe mà "không cần tính toán, không cần dụng cụ chuyên dụng". Làm thế nào để thực hiện điều đó? Câu trả lời là nhờ T.P.M., hay thang đo Tacho-Productometer, cụm từ được khắc bên thân vỏ máy.

"Tachy-Productometer" là cái tên mà OMEGA đặt cho mẫu đồng hồ có thang đo tachymeter trên viền bezel khi đó. Speedmaster 1957 chính là một trong những mẫu "Tachy-Productometer" với viền bezel tachymeter, chức năng bấm giờ chronograph với ba nút bấm và bộ vỏ bằng thép có thể kháng từ tính. Đồng hồ còn có khả năng chống nước lên đến 200 feet (khoảng 60 mét) và chống va đập tốt, được xem là một trong những chiếc đồng hồ đeo tay có độ bền và độ chính xác cao nhất thế giới tại thời điểm đó.

Speedmaster không phải là chiếc OMEGA huyền thoại duy nhất ra đời vào năm 1957

Mặc dù Speedmaster chắc chắn là chiếc đồng hồ nổi tiếng nhất của OMEGA ra mắt năm 1957, nhưng chúng ta cần nhớ rằng nó chỉ là một trong những mẫu đồng hồ chuyên dụng ("tool watch") được OMEGA cho ra mắt khi đó. Năm 1957 cũng là năm OMEGA giới thiệu chiếc 2913 OMEGA Seamaster, chiếc đồng hồ dành riêng cho thợ lặn chuyên nghiệp, cạnh tranh trực tiếp với chiếc Fifty Fathoms của Blancpain và Rolex Submariner. Năm 1957 còn chứng kiến sự ra đời của chiếc 2914 Railmaster, mẫu OMEGA kháng từ tính cao và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chiếc Rolex Milgaus, IWC Ingenieur hay thậm chí là mẫu 3417 của Patek Philippe. Tương tự như Speedmaster, các phiên bản Seamaster và Railmaster đời đầu (CK2913 và CK2914) rất hiếm khi xuất hiện trong tình trạng như mới. Ví dụ, chiếc OMEGA Railmaster là niềm tự hào của ông Eric Ku - người đã tham gia phỏng vấn, chia sẻ thông tin về mẫu Railmaster của mình trong một tập của chuyên mục Talking Watches trên Hodinkee. Nếu như cả Railmaster và Seamaster vẫn được OMEGA sản xuất cho đến ngày nay, thì dòng Seamaster 300 mới chỉ được tái xuất với thiết kế nguyên bản vào năm ngoái. Có thể nói, phiên bản CK2915 Speedmaster vẫn là mẫu đồng hồ giá trị và được săn lùng nhiều nhất trong số tất cả những chiếc đồng hồ được OMEGA giới thiệu vào năm 1957.

OMEGA Seamaster Reference 2913 (Ảnh: Precious Time)

OMEGA Railmaster Reference 2914 (Ảnh: Antiquorum)

OMEGA Speedmaster Reference 2915 - từ năm 1957 đến 1959

OMEGA Reference 2915-1, ra mắt năm 1957

Trong tất cả những mẫu Speedmaster được ra mắt từ trước đến nay, CK2915 là phiên bản được quan tâm bậc nhất nhờ độ hiếm, thiết kế độc đáo và tầm quan trọng của nó trong lịch sử phát triển của OMEGA sau này. Được ra mắt vào năm 1957 với mã số 2915-1, tất cả các phiên bản khác gồm 2915-2 và 2915-3 được sản xuất và có mặt trên thị trường trong vòng 3 năm. CK2915 có lẽ là chiếc đồng hồ dễ nhận biết nhất trong tất cả những mẫu Speedmaster, nhờ một số đặc điểm khác biệt so với những phiên bản sau này, chẳng hạn như kim giờ và phút có hình dáng mũi tên lớn.

Kim giờ và phút hình mũi tên, kích thước lớn là đặc điểm dễ nhận biết nhất của chiếc 2915

Một điểm dễ nhận biết khác của Speedmaster 2915 là viền bezel bằng thép không gỉ với thang đo tachymeter, hay "Tacho-Productometer" như cách gọi ban đầu. OMEGA tin rằng thang đo tachymeter nằm ở viền bezel - vị trí tách biệt với mặt số đồng hồ - sẽ giúp người đeo dễ dàng thực hiện thao tác đo đạc thời gian nhanh hơn khi bấm giờ. Chiếc Daytona của Rolex - ra đời 6 năm sau vào năm 1963 - đã vay mượn ý tưởng này bằng cách đặt thang đo tachymeter trên viền bezel, riêng biệt so với mặt số. Tương tự là chiếc Autavia của Tag Heuer.

Phiên bản Speedmaster 2915-1 và 2915-2 luôn có viền bezel bằng thép không gỉ

Mặc dù kim và bezel là những điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa những chiếc Speedmaster đời đầu và những chiếc Speedmaster tiếp theo, nhưng 2915 thực sự là một chiếc đồng hồ khác biệt nếu bạn đi sâu vào từng chi tiết nhỏ. Ví dụ, mặt số đồng hồ phải có tên "OMEGA" với biểu tượng chữ "O" cách điệu hình bầu dục. Đuôi của chữ "R" trong "Speedmaster" cũng được kéo dài hơn ở những mẫu Speedmaster đời đầu.

Chữ "O" cách điệu hình bầu dục nằm ngang trong tên "OMEGA" trên chiếc 2915-2

Trên chiếc 2915-1 và 2915-2, phần đáy hoàn toàn "trống trơn", không có biểu tượng OMEGA như những mẫu sau này mà thay vào đó là cái tên "Speedmaster" được khắc ở phần rìa của nắp đáy.

Khác với 2915-1 và 2915-2, phiên bản Speedmaster 2915-3 có đôi chút khác biệt. 2915-3 chỉ được sản xuất trong một năm duy nhất - năm 1959 - và là ví dụ điển hình của một mẫu "transitional watch", nghĩa là chiếc đồng hồ có sự kết hợp giữa những thiết kế đời đầu, nhưng được bổ sung thêm những tính năng, đặc điểm riêng biệt chưa từng có ở những mẫu đồng hồ trước đây. Speedmaster 2915-3 mang những chi tiết quen thuộc của chiếc Speedmaster đầu tiên - phiên bản 2915 - và phiên bản 2998-1. 2915-3 cũng có thân vỏ bằng thép không gỉ được chải đều cùng viền bezel màu đen với kí tự "base 1000". Do đó 2915-3 trông gần giống như phiên bản 2998, nhưng vẫn mang những nét tương đồng với mẫu 2915-2. Có thể nói, thuật ngữ "transitional watch" đã được ra đời từ chính chiếc Speedmaster Reference 2915-3.

Những phiên bản 2915-3 đầu tiên có viền bezel bằng thép cùng thiết kế kim to bản, những chi tiết mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên chiếc 2998. Năm 1959, OMEGA đã hoàn tất việc sản xuất những chiếc Speedmaster đầu tiên của mình, đồng thời chuẩn bị ra mắt chiếc Speedmaster tiếp theo trong cùng năm.

Phiên bản 2915-3 là sự pha trộn giữa mẫu 2915-1 và 2915-2, với bộ kim hình mũi tên to bản cùng viền bezel màu đen.

Mặt số, vỏ và nút bấm của chiếc 2915-3 giống với chiếc Speedmaster 2915, nhưng ở nắp đáy có chút khác biệt với dòng chữ "Speedmaster" nằm ngay phía trên logo Seahorse đặc trưng của OMEGA. Phần nắp đáy của 2915-3 cũng có hai đường vát cạnh. Nhờ những chi tiết này mà 2915-3 là mẫu đồng hồ rất khó để xác minh hàng thật và hàng giả và định giá, trong khi 2915-1 và 2915-2 được ưa chuộng nhiều hơn trong giới sưu tầm đồng hồ nhờ các chi tiết đặc trưng, dễ phân biệt.

OMEGA Speedmaster Reference 2998 - từ năm 1959 đến 1963

Omega Speedmaster Reference 2998-1

Như đã đề cập ở trên, phiên bản 2915 là chiếc Speedmaster đầu tiên của OMEGA, nhưng tôi cho rằng 2998 lại là phiên bản Speedmaster đóng vai trò quan trọng hơn cả, thậm chí là thiết kế nguyên mẫu cho những gì chúng ta đã biết ngày nay. Mặc dù 2915 có tuổi đời và độ hiếm cao hơn, nhưng 2998 chính là phiên bản biểu tượng của bộ sưu tập Speedmaster. Có đến 8 phiên bản khác nhau của chiếc 2998 được ra mắt từ năm 1959 đến năm 1963: 6 phiên bản từ 2998-1 đến 2998-6 và hai chiếc 2998-61 và 2998-62.

Phiên bản 2998-1 có viền bezel "Base 1000"

Đây là chiếc Speedmaster 2998 đầu tiên - phiên bản 2998-1 - có thiết kế gần giống với chiếc 2915-3 được sản xuất cùng năm (năm 1959). Ở phiên bản này, dòng chữ "Base 1000" xuất hiện trên viền bezel màu đen. Kim giờ và các kim phụ không còn là hình dáng mũi tên to bản như trước mà thay vào đó là hình chữ A dẹt. Bạn vẫn có thể thấy biểu tượng chữ "O" hình bầu dục trong từ "OMEGA" trên chiếc 2998-1.

Trong phiên bản Speedmaster 2998-2, OMEGA vẫn giữ lại viền bezel "Base 1000", kim hình chữ A dẹt cho cả kim giờ, phút cùng các kim phụ khác. Tuy nhiên, chữ "O" hình bầu dục trong "OMEGA" đã không còn nữa. Với chiếc 2998-3, hình dáng của kim và mặt số vẫn được giữ nguyên, chỉ khác là viền bezel "Base 1000" được thay thế bằng "Tachymétre 500".

Các kim phụ của chiếc 2998-4 có hình dáng như những chiếc que nhỏ

Đến phiên bản 2998-5, chúng ta vẫn thấy các kim hình que, viền bezel "Base 500", chữ "O" hình tròn trong "OMEGA" trên mặt số. OMEGA giữ lại thiết kế vỏ đối xứng và biểu tượng OMEGA nhưng không có phần khoá núm vặn. Cuối cùng, không có nhiều sự khác biệt với hai phiên bản sau đó là 2998-61 và 2998-62. "61" và "62" ám chỉ năm sản xuất của hai mẫu đồng hồ này.

2998-62

2998-4

Chiếc Speedmaster 2998 với viền bezel màu đen và kim đồng hồ hình dáng chữ A dẹt đã đặt nền móng cho bộ sưu tập Speedmaster mà chúng ta biết đến ngày này. Ngoài ra, 2998 cũng là chất xúc tác tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa OMEGA với lĩnh vực hàng không vũ trụ. Phi hành gia Wally Schirra đã thực hiện chuyến đi lịch sử của mình vào không gian với sứ mệnh Mercury Atlas 8 vào tháng 10/1962 với chiếc OMEGA Speedmaster 2998 đeo trên tay.

Chiếc OMEGA Speedmaster Reference 2998 của phi hành gia Wally Schirra

Chiếc đồng hồ OMEGA Speedmaster 2998 của Schirra thực sự là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên đi vào không gian, và nó đã được sử dụng cho câu slogan nổi tiếng "Chiếc OMEGA đầu tiên đi vào vũ trụ" xuất hiện tại Basel World 2012. Điều đáng nói, đây là chiếc đồng hồ của cá nhân Schirra chứ không phải do NASA hay OMEGA cung cấp, do đó càng nhấn mạnh giá trị và tầm ảnh hưởng của chiếc 2998 trong sự phát triển của dòng Speedmaster sau này.

OMEGA Speedmaster Reference 105.002 - từ năm 1962 đến 1964

OMEGA Speedmaster Reference 105.002 có nhiều sự tương đồng với phiên bản 2998-62

Điều khá thú vị về phiên bản tiếp theo, chiếc Speedmaster 105.002 - được chế tác từ năm 1962 đến 1964 - lại giống hệt với phiên bản 2998-62. Hơn nữa, người ta còn phát hiện ra rằng chiếc 2998-62 thậm chí còn được sản xuất sau chiếc 105.002, vì vậy khó có thể nói rằng hai mẫu đồng hồ được thiết kế cho cùng một dòng đồng hồ đơn lẻ. 105.002 là chiếc Speedmaster cuối cùng được sản xuất với kim giờ và phút hình chữ A dẹt.

OMEGA Speedmaster Reference 105.003 – từ năm 1964 đến 1969

Bắt đầu từ phiên bản 105.003, chúng ta bắt đầu nhìn thấy những nút bấm lớn hơn trên những chiếc Speedmaster

Mặc dù đã có một chiếc OMEGA xuất hiện trong không gian, đây vẫn chưa phải thời điểm mà NASA bổ sung các tiêu chuẩn nghiêm ngặt khi thực hiện sứ mệnh không gian. Tuy vậy, OMEGA vẫn cải tiến những chiếc đồng hồ của mình trở nên mạnh mẽ, đa dụng hơn hẳn với các nút bấm lớn hơn và bộ kim màu trắng dạ quang có hình dáng nhỏ, mảnh - những chi tiết mà OMEGA đã giữ lại cho đến tận ngày nay.

105.003-63 là phiên bản Speedmaster đầu tiên ra đời với bộ kim màu trắng có hình dáng dẹt, thẳng và có dạ quang trên bề mặt

Trong khi các phiên bản 105.003-63 và 105.003-64 khá hiếm, chiếc 105.003-65 lại xuất hiện tương đối nhiều trên thị trường. 105.003-65 được sản xuất vào cuối thời kỳ của bộ máy calibre 321 vào năm 1969. Bên cạnh đó là phiên bản 145.003 có thiết kế giống với 105.003-65: thiết kế vỏ đối xứng; nút bấm, kim giờ, phút và kim phụ lớn hơn trước. Cả 145.003 và 105.003-65 đều có kích thước thân vỏ 38 mm.

OMEGA Speedmaster Reference 105.012 – từ năm 1964 đến 1968

Phiên bản 105.012 là chiếc Speedmaster đầu tiên không có thiết kế vỏ đối xứng với phần bảo vệ núm vặn

Với phiên bản 105.012, ta có thể thấy rằng OMEGA đã bắt đầu phát triển thiết kế tương tự như những gì chúng ta đang thấy ngày nay. Lần đầu tiên OMEGA đưa chi tiết bảo vệ núm vặn lên Speedmaster, cùng với đó là kích thước thân vỏ lớn hơn trước là 42mm. Các nút bấm có đường kính rộng hơn và hoàn toàn tương thích với thiết kế vỏ mới. Trên mặt số, OMEGA bổ sung từ "Professional" bên dưới dòng chữ "OMEGA Speedmaster" - một thay đổi mà OMEGA đã thực hiện từ khi sản xuất những chiếc Speedmaster "Pre-Professional" trước đây.

105.012 không chỉ tạo ra một cột mốc mới cho sự phát triển của Speedmaster cho đến ngày nay với thân vỏ dày hơn mà còn đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Mặc dù 105.003 là chiếc đồng hồ mà NASA đã sử dụng để thử nghiệm tính năng bấm giờ, nhưng 105.012 lại là phiên bản đồng hành cùng các phi hành gia Apollo trong một số nhiệm vụ không gian.

Neil Armstrong đã đeo chiếc 105.012, sau đó là chiếc 145.012 trên được đeo bởi Michael Collins. Buzz Aldrin cũng từng đeo một chiếc 145.012 mà sau đó đã thất lạc trong khi ông đang trên đường đến Viện Smithsonian vào năm 1970, khiến nó trở thành "một trong những chiếc đồng hồ nổi tiếng nhất bị thất lạc trong lịch sử".

Thân vỏ của phiên bản 105.012 được chế tác bởi hai người nghệ nhân khác nhau. Phần lớn thân vỏ của những chiếc Speedmaster lên cót tay được thực hiện bởi Huguenin Freres, bên cạnh một số mẫu 105.012CB được chế tác từ xưởng La Centrale Boîtes of Bien. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các đường vát cạnh đặc trưng đi từ lug đến thân vỏ tại ảnh dưới.

Phiên bản 105.012 được chế tác bởi hai nghệ nhân khác nhau, trong đó những mẫu do La Centrale Boîtes of Bien sản xuất có thiết kế lug lớn hơn

OMEGA Speedmaster Reference 145.012 - từ năm 1967 đến 1969

145.012 là chiếc OMEGA Speedmaster cuối cùng sử dụng bộ máy Calibre 321 nguyên bản

Mặc dù là phiên bản mới nhất và có lẽ ít giá trị nhất trong dòng Speedmaster 321, nhưng 145.012 lại là chiếc đồng hồ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi khi nhắc đến thuật ngữ "Speedmaster". 145.012 được sản xuất trong khoảng từ năm 1967 đến năm 1968, mặc dù sau đó chúng ta thấy vài nhánh nhỏ của dòng này vào năm 1969. Chiếc 145.012 tương tự như phiên bản 105.012 nhưng có nút bấm lớn hơn, nổi bật hơn hẳn. 145.012 là mẫu Speedmaster 321 phổ biến nhất và được nhiều phi hành gia đeo trên tay hơn bất cứ chiếc đồng hồ nào khác. Vì có số lượng nhiều và độ phổ biến cao nên đây cũng là chiếc Speedmaster có mức giá ít đắt đỏ nhất. Đây có lẽ là mẫu đồng hồ tốt nhất trong bộ sưu tập Speedmaster, bởi bạn có thể sở hữu một chiếc Speedy mang DNA của NASA cùng bộ máy 321 nổi tiếng mà không phải bỏ ra một số tiền quá lớn.

OMEGA Speedmaster 145.022 - từ năm 1969 đến năm 1988

145.022 là phiên bản đồng hồ xuất hiện lâu nhất trong số tất cả những chiếc Moonwatch Speedmasters

Chiếc 145.022 đánh dấu một bước ngoặt lớn khác của Speedmaster: phiên bản Moonwatch sẽ không còn sử dụng cơ chế bánh răng cột huyền thoại trên bộ máy 321. Thay vào đó, Speedmaster Moonwatch sở hữu bộ máy bấm giờ chronograph 861 tinh giản, có chi phí sản xuất ít tốn kém hơn với cơ chế truyền động cam. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà khoảng thời gian OMEGA quyết định tăng số lượng sản xuất trùng với thời điểm Moonwatch Speedmaster tạo nên cơn sốt và được giới mộ điệu đánh giá cao. Đó cũng là khi Thuỵ Sĩ lần đầu tiên cảm nhận được sức ép trên thị trường từ bộ máy quartz Nhật Bản.

Không khó để nhận ra sự thất vọng của những người hâm mộ OMEGA khi thương hiệu quyết định dừng sản xuất bộ máy 321 huyền thoại ở thời điểm đó - quyết định khiến cho chính họ gặp rất nhiều khó khăn. 145.022 là chiếc Speedmaster đã xuất hiện trong nhiều năm, với rất nhiều phiên bản khác nhau. Chiếc đầu tiên là 145.022-68, phiên bản tiền đề cho mẫu moonwatch về sau và được sản xuất vào năm 1968. 145.022-68 có bộ máy 861, biểu tượng OMEGA in trên mặt số và phần nắp đáy giống hệt mẫu 145.012. 145.022-68 cũng được khắc dòng chữ "Chiếc đồng hồ đầu tiên được đeo trên mặt trăng". Tiếp theo là chiếc 145.022-69, mẫu 145.022 đầu tiên có logo sơn trên mặt số trong khi vẫn giữ được thiết kế vỏ nguyên bản như những chiếc đời đầu.

Sưu tầm Speedmaster

Như tôi đã nói trong phần giới thiệu của bài viết, chuyên mục Reference Point của Hodinkee không nhằm mục đích kể cho bạn những câu chuyện đằng sau những chiếc đồng hồ, mà cung cấp những kiến thức về cách xác định các phiên bản của một chiếc đồng hồ qua con mắt của một nhà sưu tầm. Chúng tôi hi vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn, đặc biệt nếu bạn là người danh sự đam mê lớn cho sở thích sưu tầm OMEGA Speedmaster. Bài viết sẽ như một cuốn sổ tay hướng dẫn về những phương pháp thú vị nhất về việc tìm kiếm và sưu tầm Speedmaster, tất nhiên đã được dựa trên một số tài liệu tham khảo.

Với Speedmaster, thứ tự mã số của từng mẫu không phụ thuộc vào thời gian sản xuất như những bộ sưu tập đồng hồ khác. Tôi từng sở hữu một chiếc Speedmaster 2915-2 được sản xuất vào tháng 11/1957, thời điểm trước khi chiếc 2915-1 được ra mắt. Tôi đã từng chứng kiến chiếc 2915-1 có nắp đáy in mã số 2915-2, hay thậm chí là chiếc 2998-1 với viền bezel của phiên bản 2998-4 mà tôi chắc chắn rằng đây là chủ ý của chính OMEGA. Lần khác, tôi đã từng thấy chiếc 145.012 được sản xuất vào năm 1969 và chiếc 145.022 ra đời trước đó một năm, 1968.

Điều này còn trở nên phức tạp hơn nếu bạn bắt đầu nhìn vào những phiên bản Speedmaster đời đầu - phiên bản 2915 và 2998. Những chiếc này có số lượng chi tiết thay thế rất nhiều và bạn nên cảnh giác nếu chúng được giao bán với giá cao bất thường. Những mẫu Speedmaster đời đầu đầy đủ chi tiết, thông số kỹ thuật vẹn nguyên là cực kỳ hiếm nếu so với những chiếc Rolex hay Tag Heuer nguyên bản. Trên thực tế, nhiều khả năng chỉ có vài trăm chiếc 2915 "nguyên vẹn" còn sót lại trên thế giới, thậm chí còn ít hơn thế với những chiếc giữ nguyên được độ bóng.

Tiếp theo, ngay cả với hàng nghìn chiếc OMEGA Speedmaster 321 được sản xuất, sự khác biệt về chất lượng, độ quý hiếm và giá trị lâu dài của 321 so với phiên bản máy 861 là rất đáng kể. Khi OMEGA khai tử bộ máy 321 và chuyển sang sử dụng bộ máy 861, Speedmaster đã mất đi phần lớn sức hút của nó - sức hút từ bộ máy đồng hồ hàng đầu thế giới. Bộ máy 321, như bạn đã biết, được chế tác dựa trên bộ máy chronograph Lemania năm 1941 - bộ máy được sử dụng cho những chiếc đồng hồ bấm giờ vĩ đại nhất thế giới như Patek Philippe 3970/5970/5004 hay một số chiếc Breguet. Dĩ nhiên, OMEGA sẽ hồi sinh và nâng cấp 321 trong tương lai, và đó là niềm tự hào rất lớn với những chủ nhân sau này của Speedmaster 321.

OMEGA Speedmaster Professional hiện tại được OMEGA bán với giá 5,250 USD

Cuối cùng, tôi tin rằng mỗi chiếc Speedmaster lên dây cót tay với bất kì bộ máy chronograph nào của Lemania đều là những chiếc đồng hồ xuất sắc. Mọi thứ của Speedmaster đều rất tốt với bất kể kiểu dáng vỏ máy, loại mặt số hay năm sản xuất nào. Tóm lại, Speedmaster là chiếc đồng hồ có thể thoả mãn được những chủ nhân khó tính nhất và là mẫu đồng hồ phù hợp để sở hữu lâu dài. Điều khiến Speedmaster thú vị hơn cả: đây là chiếc đồng hồ duy nhất vẫn được sản xuất theo cùng một phương thức, cùng một bộ máy, cùng thiết kế vỏ và mặt số của các phiên bản đầu tiên ra đời những năm 1960s. OMEGA vẫn sản xuất chiếc Speedmaster Professional và đưa nó lên thị trường với mức giá bán lẻ từ 5,250 USD. Thành thật mà nói, với giá trị vốn có mang tính lịch sử của Speedmaster, ngay cả với bộ máy 1861 thay vì 321, tôi không nghĩ rằng có điều gì tuyệt vời hơn khi chi ra khoảng 5,000 USD cho một chiếc đồng hồ mới, đặc biệt là khi đó là OMEGA Speedmaster.

Nguồn: Hodinkee

Sản phẩm liên quan
loading