Giỏ hàng
Sale Extra từ MILUXE Shop Now

THE JOURNAL WATCHES

Habring² Felix - nghệ phẩm cơ khí dành cho những nhà sưu tầm sành sỏi nhất

sp_felix-salmon

Năm 2004, cặp vợ chồng Richard và Maria Habring đã đưa thương hiệu Habring² lên bản đồ thương hiệu đồng hồ cao cấp trên thế giới bằng một chiếc đồng hồ ba kim đơn giản, có tên "Time-Only". Kể từ đó, cặp đôi tài năng đến từ Áo đã cho ra mắt nhiều bộ sưu tập phong phú, từ những thiết kế đơn giản cho đến những bộ máy đồng hồ phức tạp nhất, bao gồm Jumping Second Pilot với cơ chế kim giật hay Doppel-Felix với tính năng chia giây - hai mẫu đồng hồ đã giúp Habring² giành giải thưởng GPHG (Grand Prix d'Horlogerie de Genève), giải thưởng được mệnh danh là giải Oscar đồng hồ.

Vợ chồng Maria và Richard Habring

Sau 10 năm, thương hiệu đã cho ra mắt Habring² Felix, một làn gió mới được vợ chồng nhà Habring chăm chút để kỉ niệm 10 năm thành lập thương hiệu. Người chồng Richard Habring chính là người đã phát triển và chế tác bộ máy của chiếc Doppelchronograph của IWC - mẫu đồng hồ split-second chronograph đầu tiên của IWC cách đây gần ba thập kỷ. Ông và người vợ Maria là những nghệ nhân chế tác đồng hồ nhiều kinh nghiệm và họ luôn có những cách tiếp cận mới mẻ, thông minh với bộ máy đồng hồ. Điều này được bộc lộ qua bộ máy A11 ra đời vào năm 2011, bộ máy của chiếc Habring² Felix. A11 được chế tác và lắp ráp in-house tại Áo, với một số chi tiết được sản xuất bởi Habring Uhrentechnik OG cùng một số đối tác khác từ Áo, Thuỵ Sỹ và Đức.

Trước đây, bộ máy Habring² thường chế tác dựa trên các bộ máy như Valjoux / ETA 7750 và 7760, nhưng được tinh chỉnh để phù hợp với các tính năng như kim giật (deadbeat seconds / jumping seconds) hay bấm giờ chia giây (split-seconds chronographs). Cũng giống như nhiều thương hiệu đồng hồ lớn nhỏ khác, Habring² cũng phụ thuộc nhiều vào các bộ máy của ETA. Điều này đã khiến họ gặp nhiều khó khăn vào năm 2011, khi số lượng bộ máy do ETA bắt đầu giảm một cách đáng kể.

Trong khi bộ phận sản xuất của tập đoàn Swatch đã lên tiếng từ trước đó về kế hoạch cắt giảm số lượng bộ máy ETA mà họ đang bán cho các công ty khác, thì đến năm 2011 tập đoàn đã được COMCO (Uỷ ban đối thủ cạnh tranh Thuỵ Sĩ) bật đèn xanh, cho phép cắt giảm lượng hàng bán ra. Khi đó, Habring² đã bị cắt giảm đến 50% nguồn cung bộ máy.

Bộ máy A11

Chính khoảnh khắc này đã mang lại cho không chỉ Habring² mà nhiều thương hiệu đồng hồ khác động lực để bắt đầu sản xuất bộ máy in-house. Phát triển và chế tác thành công một bộ máy in-house chắc chắn là một trong những thách thức lớn nhất đối với bất kì thương hiệu đồng hồ nào, đặc biệt là những thương hiệu độc lập như Habring² khi họ phải giải bài toán liên quan đến vấn đề kinh phí. Bất chấp những khó khăn đó, Habring² vẫn có thể nghiên cứu và cho ra đời thành công A11 - bộ máy in-house đầu tiên của thương hiệu.

A11 được chế tác sao cho có nhiều điểm tương đồng so với các bộ máy nền tảng trước đó để đảm bảo tính đồng bộ, đồng thời tương thích với nhiều tính năng hiện có, chẳng hạn như cơ chế kim giật (deadbeat seconds). Dù vậy, các bộ phận quan trọng của A11 như bộ thoát, bánh xe cân bằng, dây tóc, bộ truyền bánh răng, cơ cấu lên cót, bộ hiệu chỉnh đều được làm mới hoàn toàn.

Bộ máy A11 có nhiều chi tiết được sản xuất riêng biệt và hầu hết các bộ phận cấu thành bộ máy đều được lắp ráp và hoàn thiện bằng tay. Mỏ neo trong bộ thoát, bánh răng và dây tóc đều do bàn tay con người xử lí (thậm chí cả việc uốn cong dây tóc!). Điều này phần nào lí giải cho số lượng sản xuất rất hạn chế của Habring², khi mỗi năm thương hiệu chỉ cho "ra lò" 150 - 200 chiếc đồng hồ - con số rất nhỏ nếu so với khoảng 40,000 chiếc mỗi năm của Patek Philippe hay Audemars Piguet.

Giống như "Time-Only" vào năm 2004, Felix sẽ được Habring² đưa vào một bộ sưu tập riêng cùng tên. Habring² cũng sẽ nâng cấp hệ thống truyền động cũ và chế tác các chi tiết mới hoàn toàn cho bộ máy A11, đồng thời đưa A11 trở thành bộ máy nền tảng, hỗ trợ cho nhiều tính năng khác. Bộ máy này hoàn toàn đáp ứng được nếu bạn muốn có một chiếc đồng hồ ba kim đơn giản như Felix, thêm lịch ngày, hoặc thậm chí là thêm cơ chế kim giật (Deadbeat Seconds) phức tạp. Ngay cả khi bạn muốn bỏ kim giây nhỏ tại vị trí 9 giờ của chiếc Felix, Habring² cũng sẽ đáp ứng được điều đó.

"Đột nhập" xưởng chế tác Habring²

Cơ sở sản xuất và văn phòng chính của Habring² nằm trong cùng một toà nhà, toạ lạc tại thị trấn xinh đẹp Völkermarkt. Cơ sở sản xuất bao gồm một số căn phòng riêng biệt hoạt động như một phòng xưởng, số khác được thiết kế để sản xuất linh kiện. Tại đây cũng có một phòng chuyên dụng với hệ thống ánh sáng và điều hoà công nghệ cao, được sử dụng làm nơi lắp ráp bộ máy.

Ghé thăm căn phòng nhỏ đầu tiên của cơ sở sản xuất Habring², chúng tôi được chào đón bởi hai người thợ đồng hồ trẻ tuổi, đang trong quá trình chế tạo bánh răng cho bộ máy mới. Căn phòng chứa đầy đủ các loại máy móc truyền thống, bao gồm cả máy tiện và máy khắc. Với số lượng sản xuất cực kỳ hạn chế, Habring² luôn dành sự quan tâm rất lớn ngay cả đối với những chi tiết nhỏ nhất. Điều này trái ngược với những cơ sở sản xuất lớn khi mức độ tự động hoá cao, sẽ khó kiểm soát toàn bộ chất lượng linh kiện khi sản xuất.

Khi nói đến việc sản xuất bộ máy, Habring² làm việc với số lượng nhà cung cấp đáng kinh ngạc, bao gồm Áo, Đức và Thuỵ Sĩ - tất cả đều được cho là thuộc sở hữu của Habring². Đây là một thực tế khá phổ biến với các thương hiệu đồng hồ độc lập, khi những nhà cung cấp chuyên biệt như vậy có thể đáp ứng các yêu cầu cụ thể về từng chi tiết bộ máy, thay vì phải đặt hàng với số lượng lớn khi làm việc với những tập đoàn như Swatch trước đây.

Cùng với nhiều bộ phận khác, Habring² đặt nhiều vật liệu thô để sản xuất các tấm đĩa, bánh xe cân bằng, lò xo cân bằng cho bộ máy. Trong cuộc thăm quan lần này, chúng tôi tập trung nhiều vào bộ thoát - chi tiết quan trọng nhất của một chiếc đồng hồ cơ khí - cụ thể là các mỏ neo, quá trình điều chỉnh tỷ lệ của dây tóc, cũng như việc ghép nối các lò xo với bánh xe cân bằng.

Xưởng sản xuất sẽ nhận được dây tóc ở dạng "thô" (hình trên), nghĩa là dây tóc cần được tinh chỉnh độ dài và độ cong. Điều này đòi hỏi cần phải sử dụng một bộ phận lắp ráp tạm thời (hình trên) để gắn lên bộ máy, cho phép đo chính xác tỷ lệ khi dây tóc đang được thu nhỏ. Mục tiêu ở đây là xác định chiều dài phù hợp nhất của dây tóc, vì tốc độ dao động phụ thuộc nhiều vào chiều dài của nó. Đây là một quá trình mất nhiều thời gian, khi dây tóc phải được cắt với độ chính xác ở phần nhỏ của milimet, nếu sai sót thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ của bộ thoát và chiếc đồng hồ sẽ bị hỏng hoàn toàn.

Tiếp theo, Habring² cần phải làm sao để bánh xe cân bằng ở trạng thái cân bằng một cách hoàn hảo, theo đúng nghĩa đen. Điều này đòi hỏi cần phải điều chỉnh trọng lượng của bánh xe cân bằng, bằng cách khoan các lỗ cực nhỏ trên bề mặt của nó hoặc tăng trọng lượng ở hướng ngược lại với các ốc vít siêu nhỏ, lắp vào mép bánh xe. Habring² đã đặt dây tóc và bánh xe cân bằng khớp với nhau một cách hoàn hảo, đảm bảo hiệu suất đo thời gian chính xác một cách tuyệt đối (sai số chỉ trong khoảng từ -4 đến +6 giây).

Habring² Felix

Bộ máy của Habring² Felix có tên A11B, trong đó "A" viết tắt của Austria (Áo), "11" cho năm 2011 - năm mà bộ máy A11 ra đời và "B" cho "Base" (bộ máy cơ sở). Điểm nổi bật của bộ máy này là độ chính xác, độ hoàn thiện và độ dày. Đầu tiên, Habring² đã trang bị cho A11B bộ thoát chống từ tính, giúp đồng hồ có thể duy trì độ chính xác trong thời gian nhiều năm ngay cả khi bạn đeo hàng ngày hoặc tiếp xúc với từ tính.

Về độ hoàn thiện, Habring² đã chăm chút đến từng chi tiết nhỏ bằng kĩ thuật hoàn thiện thủ công ở cấp độ rất cao. Các tấm phẳng kim loại lớn đều được vát cạnh và đánh bóng thủ công kĩ lưỡng. Chi tiết bên dưới bánh xe cân bằng cũng được hoàn thiện hoạ tiết thẳng, song song với nhau một hoàn hảo.

Cuối cùng, A11B có độ dày chỉ 4.2 mm, một kì tích nếu biết tới thiết kế và cấu tạo của bộ máy. Điều này cho phép Habring² thiết kế chiếc Felix có độ dày thân vỏ chỉ 7 mm và đường kính 38.5 mm. Cái tên Felix cho một mẫu đồng hồ quan trọng như vậy trong lịch sử thương hiệu cũng khiêm nhường như chính thiết kế của chiếc đồng hồ. Nó không có những từ ngữ hoa mỹ như "Manufacture" hay "Chronomètre", mà chỉ đơn giản là...Felix.

Mặt số Felix được thiết kế tối giản, nhưng vẫn thể hiện được chất riêng của thương hiệu. Logo Habring² nhỏ xíu ở chính giữa, vạch số 12 giờ với số La Mã cùng bộ kim thanh mảnh tạo nên tỷ lệ cân xứng một cách hoàn hảo, tối giản nhưng hoàn toàn không gây nhàm chán.

Khi đeo trên tay, Habring² Felix chính là chiếc đồng hồ thoải mái nhất mà tôi có dịp được đeo trong suốt thời gian dài. Vỏ thép không gỉ đường kính 38.5 mm nằm gọn gàng trên cổ tay tương đối nhỏ của tôi, đến nỗi trong suốt 3 tuần đeo Felix, đôi lúc tôi phải lắc cổ tay để xem mình có đang đeo nó hay không. Chiếc Felix luôn dễ dàng lọt vào phần bó nhất của cổ tay áo sơ mi và chưa bao giờ cản trở chuyển động của cổ tay tôi. Chất lượng và độ bền của thân vỏ ở mức cao, núm vặn nhỏ nhưng dễ dàng sử dụng khi cần - điều thường thấy ở những chiếc đồng hồ lên cót tay khác.

Về tổng thể, Habring² Felix là một chiếc đồng hồ tuyệt vời khi đeo trên tay và mang nhiều ý nghĩa trong quá trình phát triển của thương hiệu Habring² . Giá trị của Habring² Felix được thể hiện ở trải nghiệm thực tế khi đeo trên tay, chất lượng hoàn thiện, kỹ thuật chế tác, số lượng hạn chế và rất nhiều yếu tố khác, góp phần tạo nên một nghệ phẩm cơ khí xứng đáng có mặt trong "wish-list" của bất cứ nhà sưu tầm sành sỏi nào.

Nguồn: A Blog To Watch

THÔNG SỐ KỸ THUẬT HABRING2 FELIX

Bộ máy: Bộ máy in-house Habring² A11B lên cót bằng tay được chế tác độc lập, đường kính 30 mm, độ dày 4.2 mm.

Hiển thị: giờ, phút, giây. Kim giây nằm trên mặt số phụ tại vị trí 9 giờ trên mặt số

Mặt số: Mặt số chính và mặt số phụ màu xanh lam, trắng, xanh lục hoặc cá hồi

Thân vỏ: thép không gỉ

Dự trữ năng lượng: 48 giờ

Đường kính mặt số: 38.5 mm

Chống nước: 30 mét

Dây đeo: dây da bê chế tác thủ công cùng khoá gấp

Giá: 151 triệu VNĐ (đã bao gồm VAT)

Sản phẩm liên quan
loading