THE JOURNAL WATCHES
Tin đấu giá: Những kiệt tác Automaton phủ men tại Sotheby's Hong Kong
Sự kiện sắp tới tại Hong Kong của Sotheby's, một trong những nhà đấu giá lớn nhất thế giới, sẽ tập trung chủ yếu vào những kiệt tác đồng hồ đeo tay, bao gồm một vài chiếc chronograph (bấm giờ) của Patek Philippe được đặt hàng riêng của danh ca Eric Clapton, cùng với đó là hàng tá mẫu đồng hồ của F.P. Journe. Dù vậy, đó chưa phải là phần thú vị nhất. Hai trong số những tác phẩm giá trị nhất của buổi đấu giá - ước tính lên tới 7 con số USD - là hai kiệt tác automaton đạt chất lượng đỉnh cao. Được chế tác dành riêng cho thị trường Trung Quốc cách đây hơn thế kỉ, hai bộ máy automaton này có độ quý hiếm và giá trị lưu trữ cực cao, được trang trí tinh xảo bằng men và ngọc trai tự nhiên.
Trước đây, những bộ máy automaton thường xuất hiện dưới dạng một chiếc đồng hồ quả quýt, một trong những dòng đồng hồ được tôn sùng bởi giới sưu tầm nghệ thuật. Chúng được săn đón bởi những nhà sưu tầm lão làng như cựu chủ tịch ngân hàng HSBC hay một tỷ phú người Đức, người từng xếp thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh. Đó là lí do vì sao những chiếc đồng hồ quả quýt thường hay lập kỉ lục trong các cuộc đấu giá lớn với mức giá có thể lên đến hàng triệu USD, chẳng hạn như chiếc đồng hồ Cremsdorff (ảnh dưới).
Với gần 400 năm tuổi, chiếc đồng hồ quả quýt do Jehan Cremsdorff chế tác này đã được bán với giá 2.175 triệu bảng Anh, tương đương khoảng 2.734 triệu USD tại sự kiện đấu gía Sotheby's năm 2019.
Với sự gia tăng về số lượng đồng hồ đeo tay được đấu giá, nhu cầu đối với những bộ máy automaton hay đồng hồ quả quýt đã giảm mạnh. Giờ đây, chiếc đồng hồ đắt nhất từng được bán là chiếc Patek Philippe Grandmaster Chime ref. 6300A với bộ máy cực kỳ phức tạp, được bán với giá hơn 33 triệu USD vào năm 2019.
Nhưng những chiếc đồng hồ quả quýt tráng men lại là thứ tiệm cận nhất với nghệ thuật chế tác cơ khí Haute Horlogerie, nhờ bản chất chế tác, hoàn thiện hoàn toàn thủ công cũng như tầm quan trọng của chúng trong lịch sử. Lô hàng đấu giá đặc biệt sắp tới lại không phải là chiếc Clapton Patek Phlippe hay một chiếc Patek Philippe ref. 2499 mà lại là một hộp nhạc trang trí với tính năng automaton. Và mức giá dự kiến ư? Chắc chắn sẽ không dưới 2.57 triệu USD.
Lot 2229: hộp nhạc trang trí McCullough Magician Question-and-Answer Musical Automaton
Được chế tác với đầu những năm 1800 cho thị trường Trung Quốc, hộp nhạc trang trí được hoàn thiện công phu với bộ máy cơ khí automaton tự động phát nhạc.
Hộp nhạc này không chỉ nổi bật vì chất lượng thủ công tuyệt hảo mà còn cả về độ phức tạp của bộ máy cơ khí. Quan trọng nhất, chiếc hộp lưu giữ những gì tinh tuý nhất của nghệ thuật chế tác kim hoàn và đồng hồ tại Geneva (Thuỵ Sĩ) trong thế kỉ 19, khiến nó trở thành một nghệ phẩm, một "báu vật" thực sự.
Với kích thước chiều dài khoảng 90 mm và chiều rộng 55 mm, hộp nhạc có kích cỡ tương đối lớn, vừa đủ cho một bức tiểu hoạ bằng tráng men, được đặt trên nắp hộp. Dựa trên bức hoạ The Necromancer của Jean Baptiste Le Prince được treo trong Phòng trưng bày Quốc gia London, bức tiểu hoạ mô tả một người đàn ông và một phụ nữ trẻ đang trò chuyện cùng một pháp sư.
Trong khi bố cục của bức tiểu hoạ giống hệt so với bức tranh gốc, chỉ khác ở chỗ vị pháp sư đã thay đổi từ một pháp sư già, tóc bạc trở thành một người đàn ông trẻ hơn đội khăn xếp, phản ánh sự ảnh hưởng của văn hoá phương Đông đối với người châu Âu ở thời điểm đó.
Chiếc hộp là điển hình của các mặt hàng được sản xuất thời nhà Thanh của Trung Quốc, với chất liệu ngọc trai được đóng khung bằng vàng nguyên khối kết hợp cùng bề mặt tráng men guilloche sáng màu.
Mặc dù được trang trí lộng lẫy, nhưng bộ máy automaton thần kì bên trong còn ấn tượng hơn, khi chúng có thể kết hợp với những câu đố và câu trả lời được thiết kế sẵn trong khi phát nhạc. Hộp nhạc cơ khí đã từng là một trong những vật phẩm giá trị nhất trong thế kỉ 19, có giá trị tương đương một chiếc máy tính hiện giờ.
6 câu đố được đặt tại ngăn dưới của cạnh hộp
Mỗi câu đố và câu trả lời được ghi lại trên một tấm bảng nhỏ, tất cả đều được cất giữ trong một ngăn kéo nhỏ nằm phía dưới bên phải của hộp. Cơ chế hỏi và trả lời được kích hoạt thông qua một thanh trượt, bắt đầu xuất hiện khi phát nhạc. Tương tự như một bộ điểm chuông, thanh trượt liên kết với một bánh răng lên cót, giúp truyền năng lượng cho hộp nhạc và cơ chế automaton.
Khi âm nhạc vang lên, vị pháp sư trên bức hoạ sẽ vẫy đũa phép và nói về cuốn sách của mình. Sau khi giai điệu kết thúc, pháp sư hướng cây đũa phép về phía ngọn câu trước mặt, trong khi câu đố và câu trả lời hiện lên.
Khung nhỏ đặt trên cây sẽ lật và hiển thị câu đố và câu trả lời
Mặc dù đã có tuổi đời khoảng hai thế kỷ, 6 câu đố và đáp án vẫn có sự liên quan nhất định đến ngày nay. Chẳng hạn như "Điều khi là khan hiếm nhất?" có câu trả lời là "Sự khôn ngoan", hay "Điều gì giết chết niềm vui?" có đáp án là "Thời gian".
Với một hộp nhạc nhỏ, giai điệu nhẹ nhàng, vui tươi kết hợp giữa các nốt trầm bổng sẽ là rất phức tạp trong quá trình chế tác.
Bên dưới bộ máy automaton là ngăn nhỏ chứa các câu đố
Trong lần cuối cùng được bán đấu giá vào năm 1964 tại Sotheby's London, chiếc hộp này đã nằm trong bộ sưu tập cá nhân của một chủ nhân trong suốt sáu thập kỉ qua. Do đó, sự kiện tái xuất lần này hứa hẹn sẽ rất thú vị. McCullough Magician Question-and-Answer Musical Automaton có thể được so sánh với cặp bộ máy automaton chim hót hình súng lục nổi tiếng - bộ máy automaton được bán đắt nhất từ trước đến nay với giá 6 triệu USD vào năm 2011.
Con số đấu giá ước tính khoảng từ 20 - 40 triệu đô-la Hong Kong, tương đương khoảng 2.57 - 5.14 triệu USD.
Lot 2230: Nécessaire with watch, music box, and automaton
Trong khi hộp nhạc có kích thước lớn, vật phẩm thứ hai được đấu giá là một chiếc nécessaire, hay etui de voyage, một loại hộp thường được dùng để đựng nước hoa hoặc mỹ phẩm trong thế kỉ 19. Tuy nhiên, đây lại là một phiên bản phức tạp hơn nhiều so với một nécessaire thông thường khi được tích hợp thêm một chiếc đồng hồ nhỏ, hộp nhạc, bộ máy automaton đơn giản cùng các ngăn để đựng nước hoa hay các vật dụng nhỏ khác. Trên thực tế, đây là một trong hai chiếc hộp nécessaire lớn nhất từng được biết đến, nằm trong bộ sưu tập cá nhân của Hans Wilsdorf, người sáng lập Rolex.
Giống như hộp nhạc McCullough, chiếc nécessaire được trang trí tinh xảo theo phong cách Trung Hoa ở thế kỉ 19. Dù vậy, hộp nécessaire này còn được thiết kế phức tạp hơn thế, với các đường rãnh nạm ngọc trai và 5 bức tiểu hoạ thu nhỏ bằng men tráng.
Nécessaire có thể được mở ra cả trên và dưới, với ngăn trên cùng chứa bộ dụng cụ cá nhân nhỏ, trong khi phần đế chứa bộ máy đồng hồ và cơ chế automaton.
Phần nắp (bên trái) và hai nắp phụ phía trên
Bộ dụng cụ này bao gồm một chiếc kéo và sáu dụng cụ nguyên bản của hộp. Tất cả các dụng cụ này đều được hoàn thiện phủ men để tạo sự đồng nhất với vỏ hộp.
Nhưng điều đặc biệt nhất lại nằm bên trong phần trên của hộp với hai ngăn, mỗi ngăn chứa một bộ máy cơ khí riêng biệt. Bộ máy đầu tiên được thiết kế với hình ảnh một chú chó đang vui đùa khi người chủ đang chơi đàn luýt. Phía bên kia nắp hộp là một chiếc đồng hồ nhỏ với các cọc số mang phong cách Breguet cổ điển, kết hợp cùng mặt số được điêu khắc tỉ mỉ.
Phía trên mặt số đồng hồ là bộ hiệu chỉnh, với một kim nhỏ trên thang đo cho phép chủ nhân có thể điều chỉnh thời gian trên đồng hồ.
Đáng chú ý, chiếc đồng hồ được hiệu chỉnh nhờ một bộ thoát cylinder, loại bộ thoát đầu tiên được phát minh vào năm 1695. Bộ thoát này có một bánh xe thoát xung lực trực tiếp, không giống như bộ thoát đòn bẩy Thuỵ Sĩ được phát minh vào năm 1755 phổ biến đến tận ngày nay.
Chủ sở hữu hiện tại của chiếc hộp nécessaire đã mua lại nó từ Asprey Private Collection, đơn vị sưu tầm đồng hồ và vật phẩm xa xỉ huyền thoại một thời đến từ London, cũng là bên cung cấp những mẫu đồng hồ nổi tiếng nhất cho Quốc vương Brunei và Oman.
Chiếc hộp Nécessaire có giá ước tính khoảng 6.5 - 9.5 triệu đô la Hong Kong, tương đương khoảng 835,000 - 1.22 triệu USD.
Nguồn: watchesbysjx