Giỏ hàng
Sale Extra từ MILUXE Shop Now

THE JOURNAL WATCHES

Có gì khác biệt giữa kính Hesalite và Sapphire trên OMEGA Speedmaster Moonwatch?

sp_speedmaster-moonwatch-professional-1

Bài viết được thực hiện bởi Cole Pennington, chuyên gia có kinh nghiệm gần 10 năm về lĩnh vực đồng hồ, du lịch, xe hơi và hàng không. Ông là tác giả của nhiều bài viết chuyên sâu về đồng hồ trên trang Hodinkee, Robb Report và CNN.

Năm 1957, OMEGA giới thiệu chiếc Speedmaster đầu tiên. Ban đầu, Speedmaster chỉ được giới thiệu như một chiếc đồng hồ bấm giờ thể thao thông thường nhưng qua thời gian, nó đã vượt xa những giấc mơ điên rồ nhất của các kỹ sư OMEGA khi trở thành một biểu tượng và là chiếc đồng hồ đầu tiên được con người đeo lên Mặt trăng. Biệt danh “Moonwatch” (đồng hồ Mặt trăng) hay “Speedy” cũng được ra đời từ những sự kiện này. Từ khi ra đời cho đến nay, thiết kế nguyên bản của “Moonwatch” vẫn không hề thay đổi, ngay cả trước và sau khi gắn liền với hình ảnh phi hành gia, Mặt trăng hay các sứ mệnh không gian của NASA. Giờ đây, bạn có thể bước vào bất cứ boutique OMEGA nào trên thế giới và lựa chọn một chiếc Speedmaster Moonwatch Hesalite - phiên bản Speedmaster đã làm nên lịch sử cùng các phi hành gia NASA.

Hesalite” là tên gọi được OMEGA đặt cho chất liệu thuỷ tinh plexiglass đặc biệt của mặt kính đồng hồ. Thương hiệu đã thay đổi một số điểm trên phiên bản Moonwatch mới nhất này: dây đeo jubilee và kích thước thân vỏ mới, cùng với đó là hộp đựng có kích cỡ lớn hơn. Mỗi set hộp của Moonwatch còn được trang bị thêm một chiếc kính lúp để chủ nhân có thể chiêm ngưỡng các chi tiết nhỏ trên đồng hồ.

sp_speedmaster-moonwatch-professional

Mặt kính Hesalite trên phiên bản Speedmaster mới được OMEGA ra mắt

“Trong cuộc sống, không có điều gì là tồn tại mãi mãi”. Ngay cả Speedmaster cũng không nằm ngoài quy luật đó khi OMEGA liên tục cho ra mắt nhiều phiên bản khác nhau của dòng đồng hồ huyền thoại này, bên cạnh chiếc Moonwatch Hesalite. Trong số này, mẫu Speedmaster có mặt kính sapphire trước và sau (mã số 311.30.42.30.01.006) cũng rất đáng chú ý, được những người yêu OMEGA gọi bằng cái tên “Sapphire Sandwich”. Đối với những người từng sở hữu Moonwatch,  một câu hỏi họ thường xuyên được nhận được từ những người mới bắt đầu đến với Speedmaster: nên lựa chọn phiên bản mặt kính Sapphire hay Hesalite?

sp_speedmaster-moonwatch-professional

OMEGA Speedmaster Moonwatch Sapphire (bên trái) và phiên bản Hesalite

Ngoài sự khác biệt về chất liệu và kỹ thuật chế tác, Hesalite và Sapphire còn khác nhau về câu chuyện lịch sử. Tất cả những chiếc Speedmaster Moonwatch từng được phi hành gia NASA đeo lên Mặt trăng, thậm chí cả chiếc Speedmaster góp mặt trong sự kiện giải cứu Apollo 13 nổi tiếng, đều là những phiên bản mặt kính Hesalite.

Mặt đáy bằng sapphire để lộ các chi tiết bộ máy calibre 321 của chiếc OMEGA Speedmaster calibre 321 “Ed White” phiên bản vỏ thép không gỉ. Đây là chiếc Speedmaster sử dụng bộ máy 321 đầu tiên có mặt dưới lộ máy.

Mặt khác, Sapphire đã trở thành loại vật liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp chế tác đồng hồ hiện đại nhờ những ưu điểm vượt trội: khả năng chống xước tốt, độ trong suốt cao và ít để lại dấu vết trên bề mặt khi có ngoại lực tiếp xúc. Hai chiếc Speedmaster đầu tiên có mặt đáy bằng sapphire là BA 345.0802 và BA 145.0039. Đây đều là những phiên bản đặc biệt, ra mắt nhằm kỉ niệm lần thứ hai được chứng nhận đủ tiêu chuẩn cho sứ mệnh không gian có người lái của NASA vào năm 1978. Những mẫu BA 345.0802 và BA 145.0039 đầu tiên đã được ra mắt tại thị trường Đức vào đầu thập niên 80s.

Năm 1985, mặt đáy sapphire tiếp tục được sử dụng trên chiếc Speedmaster ST 345.0808. Đặc biệt, phiên bản này sở hữu mặt kính Hesalite ở mặt trước và kính sapphire cho phần đáy. ST 345.0808 ra mắt để kỉ niệm 20 năm kể từ tháng 3/1965, Speedmaster lần đầu trở thành chiếc đồng hồ chính thức của các phi hành gia Hoa Kỳ lúc bấy giờ, đồng thời là một phần trong bộ thiết bị tiêu chuẩn được chứng nhận bởi NASA. Chiếc Speedy đầu tiên có mặt đáy sapphire mà không phải phiên bản giới hạn là chiếc 3592,50 (còn được gọi là "Hesalite Sandwich"), mẫu đồng hồ được các nhà sưu tầm đánh giá rất cao khi sở hữu kính Hesalite cùng dạ quang tritium trên mặt số chính. Vào năm 2003, OMEGA đã đáp ứng nguyện vọng của một nhóm fan hâm mộ Speedmaster khi cho ra mắt phiên bản 3573,50 có mặt trên và đáy đều bằng sapphire. Gần đây nhất, chiếc Speedmaster 321 "Ed White" vỏ thép không gỉ cũng có cả hai mặt bằng kính sapphire.

Điều gì giúp Speedmaster trở thành “Moonwatch”?

Chiếc Speedmaster đầu tiên được đưa vào không gian là chiếc CK 2998 trên cổ tay của Walter Schirra, phi hành gia trong sứ mệnh Mercury-Atlas 8 (một phần của Dự án Mercury năm 1962). Ba năm sau, OMEGA Speedmaster đã được NASA công nhận sau quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn “Professional” (Chuyên nghiệp). Với phiên bản Hesalite, dòng chữ “Professional” cũng được khắc trên rìa mặt đáy đồng hồ: “FLIGHT-QUALIFIED BY NASA FOR ALL MANNED SPACE MISSIONS.”, có nghĩa là “Đủ tiêu chuẩn cho các sứ mệnh vũ trụ có người lái của NASA”. Dòng chữ này không xuất hiện ở chiếc Moonwatch Sapphire do phiên bản Sapphire không đáp ứng được tiêu chuẩn bay của NASA. Tất cả các mẫu Speedmaster trong dự án Gemini, Mercury hay Apollo đều là phiên bản Hesalite.

Phi hành gia Walter Schirra đeo chiếc Speedmaster CK 2998 trên tay khi đang nói chuyện với Tổng thống Mỹ John F. Kennedy từ tàu vũ trụ USS Kearsage, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Mercury-Atlas 8.

Năm 1965 không chỉ là năm Speedmaster lần đầu được chứng nhận bởi NASA mà còn là năm đầu tiên người Mỹ thực hiện EVA (Extra-vehicular activity - hoạt động bên ngoài không gian). Chiếc Speedmaster 105.003 được gắn lên bộ đồ phi hành gia của Ed White khi ông bay lơ lửng trong không gian. Ông đã bị cuốn hút bởi trải nghiệm này đến mức khi nhận lệnh quay lại tàu, ông nói: “Tôi sẽ quay lại…đây thực sự là khoảnh khắc buồn nhất trong cuộc đời tôi.” Chiếc Speedmaster của Ed White, đúng như mong đợi, đã không gặp bất kì trục trặc nào trong quá trình hoạt động ở môi trường chân không.

Phi hành gia Ed White trong quá trình thực hiện EVA (Extra-vehicular activity - hoạt động bên ngoài không gian) năm 1965.

Bốn năm sau, năm 1969, lịch sử đã được sang trang khi sứ mệnh Apollo 11 hạ cánh thành công lên Mặt trăng. Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, nhưng ông đã để chiếc Speedmaster của mình ở lại tàu. Buzz Aldrin thì khác. Phiên bản ST105.012 của Aldrin đã trở thành chiếc đồng hồ “Moonwatch” đầu tiên, khi ông đeo nó trên cổ tay phải và đi bộ trên bề mặt Mặt trăng. Hình ảnh này đã được mô tả trên chiếc Speedmaster Apollo 11 50th Anniversary Limited Edition ở mặt số phụ 9 giờ.

Có thể nói, khoảnh khắc này đã giúp cho Speedmaster trở nên nổi tiếng hơn bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác trên thế giới, đi vào lịch sử với tư cách “Chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên xuất hiện trên Mặt trăng.” Bộ sưu tập Speedmaster sau đó còn được chia thành hai nhánh nhỏ: phiên bản trước và sau khi lên Mặt trăng. Tất cả những mẫu Speedmaster “trước khi lên Mặt trăng” đều có mặt kính Hesalite.

sp_speedmaster-moonwatch-professional

Bạn có thể phân biệt được Hesalite và Sapphire qua bức ảnh này?

Hesalite và Sapphire - làm sao để phân biệt?

Hesalite là một loại vật liệu đặc biệt - một dạng nhựa siêu cứng, siêu bền và thường phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ứng dụng như sản xuất tròng kính mắt, máy móc cơ khí, màn hình vi tính, đèn ô tô và đặc biệt là mặt kính đồng hồ. Về cơ bản, Hesalite vừa có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vừa có thể dễ dàng đánh bóng lại trong trường hợp bị xước. Độ phản chiếu ánh sáng và truyền màu sắc cũng được Hesalite xử lí rất tốt. Vào đầu thế kỉ 20, từ “nhựa” thường chỉ dành cho những loại vật liệu dẻo, dễ uốn và tạo hình, điển hình là vàng. Dù vậy, giá thành cao cùng độ hiếm khiến cho vàng bị thay thế bởi chất liệu polyme tổng hợp, ra đời vào năm 1907. Sau đó, quy trình sản xuất nhựa công nghiệp bắt đầu hình thành và cho ra đời chất liệu nhựa đầu tiên - Bakelite - vật liệu nhựa mà chúng ta biết đến ngày nay.

Kính acrylic trên chiếc phi cơ Supermarine Spitfire

Kính acrylic, loại vật liệu nhựa thường được sử dụng làm kính chắn gió, kính tiềm vọng hay kính vòm của máy bay chiến đấu trong thời điểm Thế chiến thứ Hai. Khi chịu tác động của ngoại lực, Hesalite có xu hướng nứt thay vì vỡ ra từng mảnh như các loại kính thông thường khác. Mặc dù chưa bao giờ được NASA thừa nhận chính thức, có một giả thuyết cho rằng NASA ưa dùng Hesalite bởi chúng không thể vỡ khi chịu tác động mạnh ngay cả trong môi trường chân không. Nếu sử dụng loại kính thông thường, các hạt kính vỡ li ti sẽ bay trôi nổi trong không gian, gây ảnh hưởng lớn tới các hệ thống trên tàu vũ trụ.

Chiếc Jaeger LeCoultre 1938 “Tuile” Duoplan với mặt kính sapphire, “hậu duệ” của chiếc Douplan ra mắt năm 1929 - chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới sử dụng mặt kính sapphire.

Năm 1929 đánh dấu lần đầu tiên kính sapphire được sử dụng trên một chiếc đồng hồ đeo tay, khi Jaeger-LeCoultre đưa loại vật liệu này lên mặt số chiếc đồng hồ của ông. Hầu hết đồng hồ ngày nay đều sử dụng mặt kính sapphire nhờ những đặc tính tuyệt vời như: độ bền cực tốt, độ trong suốt cao và đặc biệt là rất khó trầy xước. Tuy nhiên, không dễ để đánh bóng các vết xước nếu chúng có xuất hiện trên kính Sapphire, trong khi bạn chỉ cần một miếng vải sạch cùng kem đánh bóng là có thể loại bỏ vết xước trên kính Hesalite một cách dễ dàng. Đối với một số người, việc đánh bóng mặt kính của chiếc Speedmaster Hesalite luôn đem lại cảm giác thú vị, thậm chí còn là yếu tố giúp Hesalite được ưa chuộng hơn hẳn phiên bản Speedmaster Sapphire. Bên cạnh đó, độ cong của mặt kính Hesalite còn làm cho cọc số giây trên mặt số có hình dáng khác biệt, gần như không thể tìm thấy trên bất kỳ chiếc đồng hồ nào hiện nay.

sp_speedmaster-moonwatch-professional-1

Speedmaster Sapphire (nằm trước) và phiên bản Hesalite (nằm sau)

Phiên bản Speedmaster Sapphire vẫn có những sức hút của riêng nó. Mặt kính sapphire trên Speedmaster không có hình vòm, thay vào đó nó tạo điểm tiếp xúc với viền bezel một góc 90 độ. Đặc biệt, độ dày mặt kính ở phần rìa tạo nên một vòng tròn màu trắng sữa xung quanh sapphire, kết hợp với màu đen của mặt số để tạo nên hiệu ứng tương phản ấn tượng giống như nhật thực. Hiệu ứng này được những người yêu mến OMEGA đặt cho biệt danh “vầng hào quang”. Nhiều nhà sưu tầm đánh giá cao hiệu ứng này trên kính sapphire, nhưng một số người lại cho rằng nó làm giảm đi độ trong suốt và sự tối giản của thiết kế tổng thể đồng hồ.

sp_speedmaster-moonwatch-professional-1

Quyết định lựa chọn phiên bản Sapphire hay Hesalite còn phụ thuộc vào việc bạn yêu thích mặt dưới lộ máy hay đóng kín

Cả hai phiên bản Speedmaster đều là lựa chọn phù hợp để đeo hàng ngày. Rõ ràng, nếu chiếc Hesalite vượt qua được các bài kiểm tra nghiêm ngặt của NASA thì nó hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong cuộc sống thường nhật, phải không? Điều này không có nghĩa rằng chiếc sapphire không thể làm được như vậy. Tôi cho rằng ngay cả khi NASA đưa chiếc Speedmaster Sapphire vào những bài kiểm tra như Hesalite, nó cũng sẽ vượt qua một cách dễ dàng. Ưu thế của Hesalite so với Sapphire hoàn toàn nằm ở câu chuyện kỳ vĩ và mang tính lịch sử mà nó đã trải qua, khi trở thành mẫu đồng hồ đầu tiên đồng hành cùng con người trên Mặt trăng. Dù bạn lựa chọn Sapphire hay Hesalite, Speedmaster vẫn là chiếc đồng hồ không thể thiếu trong mọi bộ sưu tập OMEGA, là thiết kế huyền thoại trong lịch sử phát triển của đồng hồ Thuỵ Sĩ.

Nguồn: Hodinkee

Sản phẩm liên quan
loading