Giỏ hàng
Sale Extra từ MILUXE Shop Now

THE JOURNAL WATCHES

Cận cảnh Habring² Chrono-Felix và lý giải sự thành công của bộ máy A11C

sp_chrono-felix-panda-1

mobile

 

Năm 2018, thương hiệu chế tác đồng hồ độc lập Habring² đã cho ra mắt Chrono-Felix - chiếc đồng hồ bấm giờ một nút (monopusher chronograph) sử dụng bộ máy A11C-H1. Giống như phần lớn các mẫu đồng hồ khác của thương hiệu, chiếc Chrono-Felix được thiết kế thông minh và có mức giá tương đối hợp lý, nhưng quan trọng hơn là nó cho thấy sự phát triển vượt bậc của Habring², thương hiệu đồng hồ độc lập được thành lập năm 2004 bởi hai vợ chồng Richard và Maria Habring. Trên thực tế, hành trình của nhà Habring đã khởi đầu từ gần 30 năm trước, khi ông Richard Habring lần đầu gia nhập IWC và được làm việc trực tiếp với bộ máy đồng hồ Valjoux 7750.

sp_chrono-felix-panda-1

So với những mẫu đồng hồ trước đó của Habring², chiếc Chrono-Felix có thiết kế tinh tế hơn, cả bên trong lẫn bên ngoài bộ máy. Tương tự như những chiếc Habring² khác, điểm đáng chú ý nhất của Chrono-Felix nằm ở bộ máy của nó.

Thiết kế của bộ máy A11C-H1 được dựa trên Valjoux 7750 - bộ máy chronograph cơ khí mạnh mẽ và phổ biến nhất lúc bấy giờ, đã từng xuất hiện trên hàng chục triệu chiếc đồng hồ. Nhưng quan trọng hơn cả, Habring² đã sửa đổi đáng kể cấu trúc của bộ máy, bao gồm nâng cấp cả chất lượng kỹ thuật lẫn tính thẩm mỹ để tạo nên bộ máy độc quyền hoàn toàn mới A11C-H1.

Khi đi sâu vào từng chi tiết như các ốc vít và bánh răng trên A11C-H1, ta có thể thấy những cải tiến lớn mà Habring² đã thực hiện, tạo nên bộ máy mang tất cả những gì tinh tuý nhất của Valjoux 7750, đồng thời giải quyết hầu hết những điểm yếu từng xuất hiện trên bộ máy này trước đây.

Sự khởi đầu

A11C-H1 trên chiếc Chrono-Felix là bộ máy thứ ba thuộc dòng bộ máy A11 trên những chiếc Habring², bao gồm chiếc Felix ba kim đơn giản và Doppel-Felix sử dụng cơ chế split-second (chia giây).

Mặc dù được lấy cảm hứng từ Valjoux 7750, nhưng gần như tất cả các chi tiết trên các bộ máy A11 đều được chế tác bởi các nhà cung cấp độc lập, không có chi tiết nào được làm bởi ETA - đơn vị sản xuất bộ máy lớn nhất Thuỵ Sĩ. Trên thực tế, trong số hàng chục đơn vị chịu trách nhiệm cho các chi tiết, linh kiện bên trong bộ máy của Chrono-Felix, chỉ có CHH Microtechnique là đơn vị thuộc Swatch Group - công ty sở hữu ETA.

Bộ máy Valjoux 7750 có tuổi đời khá dài khi được ra mắt lần đầu năm 1972 tại Valjoux, một nhà sản xuất bộ máy hiện thuộc ETA. Trong sự kiện khủng hoảng Quartz khi đó, Edmond Capt đã chế tác Valjoux 7750 với mục đích giúp bộ máy trở thành một bộ máy đồng hồ tối giản, có tính ứng dụng cao để đáp ứng tiêu chuẩn của bộ máy chronometer tự động xuất hiện vào năm 1969, cụ thể là Zenith El Primero và Chronomatic được phát triển bởi Breitling, Buren, Dubois-Depraz và Heuer.

Giữa Richard Habring và Valjoux 7750 có một mối liên hệ lâu dài và gắn bó. Ông được biết đến nhiều nhất với việc phát triển và nâng cấp bộ máy của chiếc đồng hồ bấm giờ kép (split-seconds chronograph) của IWC, ra mắt lần đầu năm 1991. Một trong những sáng tạo quan trọng khác của ông là cơ chế flying tourbillon kết hợp với một lồng titanium nhỏ, được lắp trên chiếc Il Destriero Scafusia năm 1993 - chiếc đồng hồ phức tạp nhất mà IWC từng chế tạo nhưng vẫn dựa trên bộ máy Valjoux 7750.

Bộ máy calibre bên trong chiếc IWC II Destriero Scafusia

Lồng quay flying tourbillon bên trong chiếc Il Destriero Scafusia, với cơ chế chia giây ở trên cùng bên phải.

Richard Habring kể lại: "Trước khi gia nhập IWC, tôi hoàn toàn không biết về bộ máy Valjoux 7750. Khi lần đầu làm việc với nó, tôi đã cảm thấy đây chắc chắn là bộ máy yêu thích nhất của mình, hơn tất cả các bộ máy khác mà IWC đã sử dụng vào thời điểm đó. Đây cũng là bộ máy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của IWC sau này, là tiền đề cho sự ra đời của Da Vinci hay Grand Complication."

Ông giải thích: "Những mẫu đồng hồ sử dụng 7750 do IWC chế tác đã cho thấy mức độ phổ biến của bộ máy này. Đây dường như là bộ máy đáng tin cậy nhất trên thị trường khi đó.

Đối với tôi - một người yêu thích những giải pháp đơn giản hơn là phức tạp, thiết kế của Edmond Capt thực sự là thiên tài, đặc biệt là khi ông ấy đã chế tác Valjoux 7750 khi mới 26 tuổi."

Ông cho biết thêm: "Chúng tôi phải cảm ơn Edmond rất nhiều bởi chức năng bấm giờ kép (split-seconds chronograph)của IWC vẫn đang là bộ máy lâu đời nhất được sản xuất và chưa bao giờ phải nâng cấp. Điều đó chứng tỏ chất lượng bộ máy được chế tác bởi Edmond."

Tạm biệt 7750

Nhưng bất chấp tất cả những ưu điểm của mình, Valjoux 7750 được tạo ra chỉ nhằm mục đích tiết kiệm chi phí trong sản xuất và lắp ráp. Mặt khác, bộ máy A11C được thiết kế chắc chắn nhưng cũng rất dễ sửa chữa trong tương lai.

A11 được chế tác để vượt qua 7750 ở nhiều khía cạnh. Đầu tiên, bộ máy A11C bắt đầu từ nền tảng của bộ máy với việc chế tác từng bộ phận riêng lẻ, được thiết kế để có tuổi thọ cao hơn cũng như dễ bảo dưỡng, điều chỉnh hơn khi cần, điển hình là việc Habring² đã sử dụng vít điều chỉnh bộ dao động dạng tiếp tuyến thay vì bộ điều chỉnh Etachron như thông thường.

Hầu hết những cải tiến khác mặc dù không rõ ràng nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng ở A11C. Trong khi nhiều chi tiết trong 7750 được hàn bằng một quy trình tự động trong thời gian ngắn, thì các bộ phận tương tự trong bộ máy A11C lại được chế tác hoàn toàn riêng biệt, lắp ráp bằng tay và được gắn kết lại với nhau bằng các chốt. Ví dụ như cơ chế bấm giờ chronograph bên trong A11C được tạo thành từ hai phần được kết nối với nhau bằng chốt, thay vì ba phần hàn lại với nhau trong máy 7750.

Cách tiếp cận đó cũng cho phép cơ chế bấm giờ chronograph được tính chỉnh ở mức chính xác hơn, mang lại tính ứng dụng cao cho người đeo. Cơ chế bấm giờ chronograph trên A11C vì thế mà hoạt động trơn tru và ít lỗi hơn so với 7750.

Quá trình xây dựng cấu trúc bộ máy của A11C cũng là sự khác biệt lớn so với 7750. Nhiều chi tiết bộ máy trên chiếc 7750 được khắc và đánh bóng khá lộn xộn, dẫn đến các bề mặt có độ bóng và sáng không đồng nhất, đặc biệt là ở cần gạt của cơ chế bấm giờ chronograph.

Ngược lại, các linh kiện bên trong A11C đều được chế tác bằng phương pháp cắt vi điểm bằng laser (micro-cutting). Trong đó, máy CNC sử dụng tia laser để cắt các chi tiết cực nhỏ, giúp kích thước và tỉ lệ của các chi tiết này đạt độ chính xác cao, từ đó làm cho bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.

Sự khác biệt của bộ thoát trên rìa bộ máy của A11C (trái) và 7750 (phải) - Habring²

Các linh kiện bộ thoát của bộ máy A11C - Habring²

Tương tự, các chi tiết lớn hơn trên A11C như cầu nối, các tấm đĩa sẽ được gia công kỹ lưỡng để tạo ra dung sai lớn hơn.

Tính thẩm mỹ

Cuối cùng, sự khác biệt cuối cùng giữa A11C và Valjoux 7750 chính là tính thẩm mỹ. Những cải tiến về mặt thẩm mỹ của máy A11C so với 7750 là rất đáng kể, bởi lẽ 7750 là bộ máy đã được ra đời từ cách đây khá lâu, đồng thời có vẻ ngoài không nổi bật. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng bộ máy của Habring² chính là bộ máy bắt nguồn từ 7750 có độ hoàn thiện ấn tượng nhất từ trước tới nay.

Các cầu nối được hoàn thiện với đường vân tròn và vát cạnh, trong khi các tấm đĩa nền được thiết kế tinh tế, có thể dễ dàng ghép lại với nhau. Hầu hết các linh kiện bộ thoát đều được hoàn thiện vân thẳng, vát cạnh và đánh bóng tỉ mỉ. Kỹ thuật hoàn thiện của bộ máy là sự pha trộn giữa nghệ thuật thủ công và cơ khí, với bố cục gọn gàng, hợp lí và không có một chi tiết thừa nào.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các ốc vít bằng thép nung nhiệt chuyển màu xanh kết hợp cùng một số chi tiết mạ vàng tạo nên một phối màu nhẹ nhàng, tinh tế cho bộ máy. Ngay cả với những chuyên gia hay các nhà sưu tầm khó tính nhất, vẻ ngoài của bộ máy này so với giá trị và bề dày lịch sử của nó là một sự ngạc nhiên lớn.

Tương lai của A11C

"Một điều quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, là khi đề cập đến cấu tạo của bộ máy A11C, chúng tôi vẫn cần phải giữ những sự tương đồng nhất định với Valjoux 7750 để trong tương lai, chúng tôi vẫn có thể sử dụng những phương pháp và kỹ thuật sửa chữa quen thuộc với máy ETA trước đây," ông Habring giải thích. Sự tương đồng với Valjoux 7750 cũng có nghĩa là việc bảo dưỡng máy A11C sẽ trở nên dễ dàng hơn với các thợ đồng hồ, ngay cả những người không được đào tạo bởi Habring².

Tuy nhiên, ông Habring cũng nhận thức được rằng việc lấy Valjoux 7750 như một niềm cảm hứng chắc chắn sẽ làm dấy lên sự so sánh với các bộ máy giá rẻ khác. "Chúng tôi thường tự hỏi rằng liệu đây có phải là bước đi đúng đắn hay không, đặc biệt là khi ấn tượng ban đầu về bộ máy thường sẽ là "một bộ máy đến từ ETA", ông cho biết, "Thành thật mà nói, chúng tôi không chắc chắn về điều này. Thời gian sẽ trả lời tất cả."

Quan trọng hơn, A11C vẫn đang được nâng cấp nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của Richard Habring. "Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu kĩ những cải tiến khác, chẳng hạn như một bộ thoát mới cho cơ chế bấm giờ hay một bộ đếm phút tốt hơn," ông cho biết, "Bộ đếm phút hiện tại được chúng tôi chế tác từ những linh kiện của ETA trước kia, nhưng sang năm những linh kiện đó đều sẽ phải thay mới. Vì vậy, các bánh răng của bộ đếm phút đều sẽ được hoàn thiện với hoạ tiết vân tròn hoàn toàn mới."

Thực tế là Habring² đã hoàn thành tất cả những điều trên với khoản phí tương đối lớn, bất chấp mức giá bán lẻ cực kỳ "dễ chịu" của chiếc Chrono-Felix - một điều đáng ngưỡng mộ. "Việc sản xuất một số lượng lớn các chi tiết nhỏ như vậy sẽ ngốn một khoản tiền lớn," Richard cho biết, "Mức giá của các linh kiện trong máy A11C khi chưa lắp ráp đã cao gấp 5 lần so với bộ máy Valjoux 7750 (đã được lắp ráp hoàn chỉnh) trước đây."

Trong khi máy Valjoux 7750 hay những bộ máy tương đương đã có giá từ 200 USD đến 400 USD, thì A11C có giá trên 1000 USD. Điều đó có nghĩa rằng, máy A11C chiếm phần lớn trong tổng giá trị của chiếc Chrono-Felix, cụ thể là bằng 1/10 đến 1/5 giá bán lẻ. Để bạn dễ hình dung, chi phí của một bộ máy ETA chỉ chiếm 2 - 5% mức giá bán lẻ của một chiếc đồng hồ do một thương hiệu lớn, giàu truyền thống sản xuất mà thôi.

Tinh thần Habring²

Chiếc Chrono-Felix có mặt số tương tự như Felix hay Doppel-Felix, những mẫu đồng hồ mang đậm đặc tinh thần Habring². Mang phong cách điển hình của một chiếc đồng hồ Habring², Chrono-Felix có thiết kế mặt số tối giản và phảng phất chút cổ điển. Mặt số được hoàn thiện vân hạt, kim đồng hồ có hình dáng tinh tế và được chế tác từ thép nung xanh. Nổi bật nhất trên mặt số là cọc số "12" màu đỏ, bên cạnh kim chỉ hình mũi tên của cơ chế bấm giờ 30 phút trên mặt số phụ.

Với kích thước 38.5 mm, thân vỏ đồng hồ có kích cỡ vừa phải và rất dễ đeo. Tuy nhiên, nó tạo cảm giác mỏng hơn so với đa số mẫu đồng hồ trước đó của Habring² do thiết kế khá đặc biệt: các lug bắt dây ngắn hơn, viền bezel dốc và phẳng, trong khi mặt kính sapphire ở cả mặt trên và dưới đều tương đối phẳng, không cong lên như hình vòm. Những yếu tố này khiến cho chiếc Chrono-Felix tạo cảm giác mỏng khi đeo trên cổ tay, trở nên nhỏ gọn và phù hợp với nhiều kích cỡ cổ tay.

Bên cạnh phiên bản mặt số màu bạc, Habring² Chrono-Felix còn có ba phiên bản khác bao gồm mặt số Panda, Sport và Salmon, trong đó ấn tượng nhất có lẽ là hai phiên bản Panda và Sport.

sp_chrono-felix-panda-1

Chrono-Felix Panda

sp_chrono-felix-sport

Chrono-Felix Sport

Mặt số và thân vỏ đồng hồ được thiết kế và chế tác tối giản, trái ngược với bộ máy được hoàn thiện tỉ mỉ, chi tiết và hoàn toàn phù hợp với triết lý của Habring²: nhấn mạnh đến những giá trị cốt lõi, kỹ thuật hoàn thiện, nghệ thuật chế tác cơ khí bên trong chiếc đồng hồ.

Mức giá

Habring² Chrono-Felix có giá 7,050 EUR, chỉ tương đương hơn 8,500 USD và 215 triệu VNĐ. Để tiện so sánh, Habring² Chrono-Felix có giá thấp hơn đến 10% so với chiếc IWC Pilot’s Watch Chronograph trang bị bộ máy Valjoux 7750. Điều này chứng tỏ Chrono-Felix là chiếc đồng hồ đáng giá hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra. Bằng chứng là chiếc Chrono-Felix phiên bản mặt số Panda đã được nằm trong danh sách đề cử của hạng mục Petite Aiguille (hạng mục dành cho những chiếc đồng hồ xuất sắc nhất trong tầm giá từ CHF 4,000 đến CHF 10,000) tại Grand Prix D'Horlogerie de Genève 2020 (GPHG) - giải thưởng được ví như giải Oscar trong ngành đồng hồ.

Habring² Chrono-Felix hiện đang có mặt tại Miluxe Boutique, đơn vị phân phối chính thức của Habring² tại Việt Nam và là một trong ba đại lý ủy quyền tại châu Á của thuơng hiệu độc lập đến từ Áo này.

 

Sản phẩm liên quan
loading