THE JOURNAL WATCHES
Speake-Marin 1in20 collection – Của hiếm dành cho giới sành
Mang chất lượng đỉnh cao, số lượng chế tác rất hiếm với chỉ 20 chiếc đồng hồ được chế tác, liệu bộ sưu tập Speake-Marin 1in20 có khả năng đạt mức lên tới hàng trăm ngàn USD như Philippe Dufour hay Roger Smith ?
Tại phiên đấu giá của nhà Phillips ngày 08/11/2020, chiếc đồng hồ Philippe Dufour phiên bản kỷ niệm 20 năm bộ sưu tập Simplicity đã đạt mức giá 1,51 triệu USD. Trong một buổi đấu giá diễn ra tại Geneva, Roger Smith Series 1 “Onely Theo Fennell” cũng đạt mức giá 601,000 USD ngày 08/05/2021, thiết lập mức giá kỷ lục cho một chiếc đồng hồ Anh quốc. Vào đầu tháng 11, chiếc F.P. Journe cũng được gõ búa với mức giá 4,5 triệu Franc Thụy Sỹ tại phiên đấu giá từ thiện Only Watch 2021.
Philippe Dufour Simplicity 20th Anniversary được bán với mức giá 1,51 triệu USD
F. P. Journe FFC Blue Only Watch 2021 được bán với mức giá kỷ lục 4,5 triệu Swiss Franc
Chiếc Roger Smith Series 1 ‘Onely Theo Fennell được chốt giá 601,000 USD
Những chiếc đồng hồ kể trên đều thuộc các thương hiệu đồng hồ độc lập và đang là tiêu điểm cho giới sưu tập. Tại sao những tên tuổi không quen thuộc với phần lớn người chơi đồng hồ lại có thể đạt mức giá cao như vậy ? Câu trả lời nằm ở chất lượng chế tác thuộc hàng đỉnh cao và số lượng cực kỳ hiếm của chúng. Đây cũng chính là những tiêu chí tối quan trọng được đặt ra bởi các nhà sưu tập.
Peter Speake-Marin là một tên tuổi nổi bật trong thế hệ nghệ nhân đồng hồ độc lập thứ hai, vốn nổi tiếng với thiết kế thân vỏ Piccadilly và những tác phẩm nghệ thuật trên mặt số đồng hồ. Vang danh là thế, nhưng ít ai biết đến bộ sưu tập giá trị nhất của ông, được coi là “hidden gem”: bộ sưu tập 1in20 ra mắt năm 2009, đơn giản vì chỉ có vỏn vẹn 20 chiếc đồng hồ được chế tác.
Trái tim của bộ sưu tập là bộ máy SM2, đây là bộ máy in-house 100% đầu tiên do Speake-Marin phát triển. Trước đây, đồng hồ của Speake-Marin sử dụng máy Vaucher (thương hiệu chế tác máy cho Richard Mille và Parmigiani) hoặc sử dụng những calibre của hãng khác được tinh chỉnh lại đánh bóng lại toàn bộ các chi tiết máy.
Các chi tiết hình trăng khuyết trên bộ máy được bố trí khéo léo tạo nên tổng thể trăng tròn
So sánh với những bộ máy được trang bị trên đồng hồ của Philippe Dufour, Kari Voutinailen hay Roger Smith, máy SM2 cùng có đặc điểm chung của những thương hiệu độc lập là độ hoàn thiện tuyệt hảo. Từng chi tiết vạt cạnh, cầu máy đều được đánh bóng và tạo các đường vân tỉ mỉ. Điểm khác biệt làm nên sự nổi bật của SM đến từ cấu trúc của bộ máy.
Bộ máy của Philippe Dufour hay Kari Voutilainen được tập trung toàn vào chất lượng hoàn thiện thủ công tuyệt hảo, nhưng vẫn sử dụng bố cục và kết cấu truyền thống sẵn có, dễ chế tạo và không có nhiều sự khác biệt.
Mang tham vọng đặc biệt của Speake-Marin, bộ máy SM2 được tái thiết kế với kết cấu khác biệt hoàn toàn, đây là việc làm cực kỳ táo bạo khi phá vỡ lối mòn truyền thống vốn được sử dụng hàng trăm năm nay. Thiết kế của Speake-Marin là sự sắp đặt các chi tiết máy hình trăng khuyết để tạo ra một tổng thể mặt trăng tròn tuyệt đẹp. Tham vọng thiết kế của SM2 được nghiên cứu và phát triển trong suốt 5 năm ròng và tiêu tốn của Speake-Marin hơn 3 triệu Swiss France.
Một phiên bản của bộ máy SM2 in-house điêu khắc thủ công, được chế tác từ chất liệu bạc Đức có độ bền hàng trăm năm, kết cấu bền bỉ, dễ dàng trong việc bảo dưỡng bộ máy
Điểm nhấn là viên chân kính ruby lớn nhất thế giới từng được trang bị trên bộ máy đồng hồ
Bộ máy SM2 có cấu trúc rất dễ tháo lắp và sửa chữa theo tinh thần Haute Horlogerie. Quan điểm này của Peter Speake-Marin giống với nhà thiết kế thiên tài Leonardo da Vinci: Đơn giản là đỉnh cao của phức tạp.
SM2 lựa chọn sử dụng tần số dao động 21,000 vph (3 Hz) giống như bộ máy của Dufour hay Voutilainen, giúp duy trì độ chính xác trong thời gian dài, đồng thời nâng thời gian trữ cót lên tới 120 giờ (5 ngày). Đồng thời tăng độ bền lên tới hàng trăm năm nhờ việc hoạt động nhẹ nhàng và trơn tru, các chi tiết được chế tác hoàn hảo giảm thiểu ma sát.
Mặc dù cùng nằm trong bộ sưu tập nhưng cả 20 chiếc đồng hồ đều là “độc bản”, không chiếc nào giống chiếc nào. Đây cũng là bản sắc riêng của Speake-Marin với tính sáng tạo rất cao trên mặt số, làm tăng giá trị sưu tập.
Một chiếc QP lịch vạn niên (quantième perpétuel – tiếng Pháp), hiển thị đầy đủ lịch: thứ, ngày, tháng, tuần trăng, và năm nhuận. Mặt số chính bằng bạc, tương phản với các mặt số nhỏ bằng vàng khối được hoàn thiện thủ công với kỹ thuật guilloche.
Một phiên bản lịch vạn niên với mặt số enamel cùng bộ kim phủ dạ quang
Những chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập 1in20 đều thuộc sở hữu của những nhà sưu tập cự phách, tay chơi sừng sỏ và những yếu nhân quan trọng bậc nhất. Có thể kể đến như Quốc vương Malaysia với chiếc Eternity, hay chiếc đồng hồ hình cặp ngựa được đặt riêng cho một collector châu Á.
Chiếc Eternity của Quốc vương Malaysia với bốn đầu lâu điêu khắc thủ công trên mặt số, tượng trưng cho sự vĩnh hằng
Phiên bản bespoke của collector châu Á tuổi Ngựa, sử dụng nghệ thuật sơn mài Maki-e trên mặt số
Một phiên bản bespoke với hình rồng điêu khắc bằng vàng khối trên nền mặt số khảm trai Mother of pearl
Một chiếc 1in20 với bộ vỏ vàng khối, mặt men nung Enamel và bộ kim xanh đặc trưng của Speke-Marin
Toàn bộ 19 chiếc đều đã được bán hết, và Miluxe rất may mắn còn giữ lại được một phần của lịch sử chế tác đồng hồ cơ khí, với chiếc đồng hồ cuối cùng trong bộ sưu tập: Speake-Marin 1in20 QP Titanium.
Thân vỏ đường kính 40.6mm bằng Titanium cấp độ 5, là chiếc duy nhất trong bộ sưu tập 1in20 với vỏ Titanium, tất cả các chiếc còn lại đều được làm từ kim loại quý
Mặt số với các họa tiết guilloche chế tác thủ công, bộ kim xanh nung nhiệt tạo sự tương phản
Chiếc QP Titanium với bộ máy SM2 lên cót tự động với quả văng thiết kế tương tự logo Speake-Marin. Bản máy được hoàn thiện dạng phay xước mờ - Brush finishing đậm chất Anh Quốc, thay vì dạng Geneva strip đặc trưng của Thụy Sỹ.