THE JOURNAL WATCHES
Nhập môn Omega Speedmaster Moonwatch và những câu hỏi thường gặp
Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ra mắt mẫu Speedmaster đầu tiên, Omega đã giới thiệu chiếc Speedmaster Calibre 321 bằng chất liệu vàng trắng Canopus nguyên khối. Chiếc đồng hồ là sự tôn vinh với CK2915 - phiên bản Speedmaster đầu tiên trong lịch sử. Mặc dù có mức giá bán lẻ lên tới 80,700 euro, Speedmaster 321 Canopus đã nhận được nhiều rất đơn đặt hàng. Sau đó vào tháng 3, Omega tiếp tục giới thiệu thêm một số phiên bản Speedmaster khác, trong đó có chiếc Speedmaster Moonshine Gold (gồm mặt số màu Panda và màu xanh lá) cùng bộ sưu tập Speedmaster ’57. Nhu cầu sở hữu Speedmaster đang trở nên lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt với chiếc Moonwatch Master Chronometer - mẫu Speedmaster đã được mong đợi nâng cấp từ rất lâu.
Bài viết được thực hiện bởi Robert-Jan Broer, founder của chuyên trang đồng hồ Fratellowatches. Ông là chuyên gia có kinh nghiệm gần 30 năm về đồng hồ cơ khí.
Chúng tôi đã nhận được một số câu hỏi từ khách hàng về Omega Speedmaster, từ những câu hỏi phổ biến như “Tôi nên bắt đầu với phiên bản Speedmaster nào?” cho đến các câu hỏi chuyên sâu hơn về dây đeo, bộ máy và thiết kế mặt số. Nếu bạn là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của Speedmaster, bạn sẽ không quá bất ngờ với những câu trả lời dưới đây, nhưng tôi hi vọng rằng bạn vẫn có thể “khai phá” thêm một hoặc hai sự thật mà bạn chưa biết về dòng đồng hồ nổi tiếng này.
1. Tôi nên mua phiên bản Speedmaster nào?
Câu hỏi mà chúng tôi nhận được thường xuyên nhất đó là nên mua chiếc Speedmaster nào. Đây là một câu hỏi khó trả lời vì điều này còn phụ thuộc vào sở thích của chính bạn. Chiếc Speedmaster đầu tiên của tôi là phiên bản 145.012-67 cổ điển được sản xuất từ năm 1968. Tôi mua nó vào năm 1999 và vẫn nằm trong bộ sưu tập đồng hồ của tôi hiện nay. Năm 1999 là thời điểm mà chúng ta không dễ dàng để tiếp cận thông tin của Omega Speedmaster như ngày nay. Thành thật mà nói, tôi dành nhiều sự quan tâm hơn đến phiên bản Speedy với bộ máy 861 hay 1861, cho dù khi đó chúng đều có giá cao hơn một phiên bản cổ điển như 145.012-67 - điều không tưởng trong thời điểm hiện nay.
Sau tất cả, tôi rất vui vì đã sở hữu chiếc 145.012-67 với bộ máy 321. Tôi gợi ý với bạn rằng hãy nên chọn một chiếc Moonwatch với bộ máy lên bằng tay, cho dù đó là Speedmaster Professional Master Chronometer hay bất cứ phiên bản nào khác.
Chủ đề sưu tầm
Khi bắt đầu xây dựng một bộ sưu tập Speedmaster, bạn cần cố gắng tìm hiểu xem bản thân mình muốn gì ở “đứa con tinh thần” này. Liệu có phải là một bộ sưu tập chỉ gồm Moonwatch? Hay là tập hợp của những mẫu Speedmaster dị biệt như Speedmaster Speedsonic f300hz, Speedmaster LCD hay X-33? Vậy còn những chiếc Speedmaster cổ điển như Mark III hay Mark V thì sao? Bạn muốn bộ sưu tập này mang hơi hướng cổ điển hay hiện đại? Đây là những câu hỏi mà bạn cần phải trả lời, xuất phát từ chính mong muốn của cá nhân bạn. Lời khuyên của tôi là hãy tìm hiểu chuyên sâu về lịch sử ra đời và quá trình phát triển của Omega Speedmaster, từ đó bạn có thể tìm được tinh thần chủ đạo cho bộ sưu tập của mình.
2. Tôi nên đầu tư bao nhiêu tiền cho một chiếc Speedmaster?
Cho đến hiện tại, Omega đã công khai mức giá của từng mẫu Speedmaster trên website chính thức của thương hiệu tại một số quốc gia. Đây cũng là mức giá chính xác mà bạn phải trả để sở hữu một chiếc Speedmaster. Ngoài các cửa hàng chính thức, bạn có thể mua Speedmaster tại các đại lý uỷ quyền chính thức của Omega trên khắp thế giới. Không giống như các boutique, bạn hoàn toàn có thể được đề xuất mức chiết khấu giảm giá cho Speedmaster tại các đại lý uỷ quyền. Mức chiết khấu phụ thuộc vào bộ máy của từng dòng, mối quan hệ của bạn với nhà đại lý và lịch sử mua hàng của bạn tại đây. Dù vậy, bạn không nên mong đợi Speedmaster sẽ được giảm giá sâu bởi đây luôn là một trong những bộ sưu tập bán chạy nhất của Omega.
Đối với thị trường bán lại, giá của Speedmaster phụ thuộc vào phiên bản bộ máy của từng chiếc và mức độ cung cầu của thị trường. Đối với những mẫu Speedmaster cổ điển và đã qua sử dụng, tình trạng của đồng hồ là vô cùng quan trọng. Một chiếc Speedmaster Professional cổ từ những năm 1970s có mức giá khoảng 5,000 euro, nhưng cũng không quá khó để tìm thấy một chiếc khác có giá gấp đôi. Lời khuyên của tôi là bạn hãy tìm hiểu giá Speedmaster trên Chrono24 hoặc biểu đồ về giá trên trang Speedmaster101 để có cái nhìn tổng quan về từng dòng.
Vậy còn một chiếc Speedmaster cổ điển thì sao?
Lời khuyên của tôi khi mua một chiếc đồng hồ dùng rồi hoặc đồng hồ cổ là: hãy mua những thứ tốt nhất có thể và đừng ham rẻ. Tôi thà mua một chiếc Speedmaster ref. 105.012 hoặc 145.012 giá cao và còn hoạt động tốt, hơn là mua một chiếc 105.003 giá rẻ nhưng không được đảm bảo về chất lượng. Một chiếc Omega Speedmaster cổ điển còn hoạt động tốt cũng giúp bạn yên tâm hơn và có thể thưởng thức mọi giây phút khi đeo nó trên tay.
Bắt đầu với một chiếc Speedmaster pre-owned (hàng cũ) thì sao? Bạn có thể tham khảo chiếc Moonwatch 3590.50 hoặc 3592.50 từ đầu những năm 1990 với kim và mặt số tritium, dây đeo ref.1479 cùng đầy đủ hộp sổ và giấy tờ. Đây là những chiếc Speedmaster tuyệt vời với lớp patina vàng độc đáo cùng bộ dây đeo xuất sắc nhất mà Omega từng thiết kế.
3. Bao lâu thì nên bảo dưỡng một chiếc Speedmaster?
Với tôi, 7 năm là quãng thời gian để bảo dưỡng một chiếc Omega Speedmaster Professional, cho dù đó là mẫu cổ điển hay phiên bản mới nhất với bộ máy 3861. Nếu bạn đeo Speedmaster hàng ngày, bạn có thể rút ngắn thời gian trên một chút. Mặt khác, nếu bạn chỉ mua với mục đích sưu tầm thì việc kéo dài con số 7 năm lên không phải là vấn đề lớn.
Về dịch vụ bảo hành, Omega có một số trung tâm bảo hành (bao gồm tại trụ sở chính ở Bienne, Thuỵ Sĩ) và đối với một chiếc Speedmaster vỏ thép, mức phí cho một dịch vụ bảo hành tổng thể đồng hồ sẽ là 750 euro (khoảng 18 triệu đồng). Omega rất minh bạch về chi phí dịch vụ và các chi phí này đều được công khai trên website chính thức của thương hiệu.
Một chiếc Speedmaster vỏ vàng hay bạch kim sẽ tốn 950 euro (khoảng hơn 22 triệu đồng) cho một dịch vụ bảo hành tổng thể. Trong đó bao gồm tháo rời toàn bộ các chi tiết đồng hồ và làm sạch tất cả các bộ phận. Mức phí này cũng bao gồm việc thay thế tất cả các linh kiện bị mòn trong bộ máy. Đối với Speedmaster cổ điển, bạn đừng ngại sử dụng mức dịch vụ đặc biệt nhất, đổi lại bạn sẽ được tư vấn kĩ lưỡng đồng hồ nên được bảo hành ra sao, các chi tiết nào cần được thay thế hoặc giữ nguyên.
Dĩ nhiên, 750 hay 950 euro không phải là con số nhỏ. Đổi lại, tất cả dịch vụ này đều được thực hiện theo tiêu chuẩn cao nhất của Omega, trong đó bao gồm cả việc thay thế các chi tiết dễ bị hao mòn như núm vặn, nút bấm, bánh răng, mặt kính Hesalite, kim đồng hồ (nếu cần thiết)…
Từ quan điểm của một nghệ nhân đồng hồ…
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Paul (Instagram: @paul_divawatchmaker), một nghệ nhân đồng hồ độc lập hiện đang làm việc cho một số thương hiệu. Paul cho biết anh tính phí 400 euro (khoảng 9.5 triệu đồng) cho việc tháo rời, làm sạch linh kiện bộ máy bằng sóng siêu âm và đánh bóng (nếu được yêu cầu) các bộ phận bên ngoài đồng hồ. Mức phí này cũng bao gồm cả việc thay thế các chi tiết bị mòn, ngoại trừ một số linh kiện đặc biệt cần tính phí thêm. Các chi tiết trong bộ dây cót chính luôn được thay mới, chẳng hạn như vòng đệm. Paul cho rằng 750 euro cho dịch vụ tổng thể tại Omega không quá đắt, đặc biệt là đã bao gồm cả thay thế các linh kiện đã hỏng.
Điều đó nói lên rằng, việc tìm kiếm một thợ sửa chữa/trung tâm bảo hành đồng hồ uy tín, có tay nghề cao nên là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi sưu tầm Speedmaster. Không phải là chúng dễ bị hỏng hóc, nhưng bạn nên có một địa chỉ đáng tin cậy hoặc một người mà bạn thực sự tin tưởng để giao cho họ những chiếc Speedmaster của mình, từ đó có thể kéo dài tuổi thọ của bộ sưu tập.
4. Bạn có thể đeo Speedmaster khi đi bơi không?
Dường như đây là một câu hỏi khá phổ biến và là chủ đề thảo luận của nhiều diễn đàn Omega trên thế giới. Theo như những gì tôi thấy, khá nhiều người đã chỉ ra rằng Speedmaster không có khả năng chống nước quá tốt. Từ năm 1957, Speedmaster đã có logo Hippocampus (cá ngựa) trên lớp vỏ đáy - biểu tượng cho khả năng chống nước của đồng hồ, nhưng ý nghĩa này đã thay đổi cho đến thời điểm hiện tại.
Rõ ràng, Speedmaster không phải là chiếc đồng hồ phục vụ cho mục đích lặn dưới nước, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể sử dụng chúng khi bơi. Chiếc Speedmaster Professional Moonwatch có khả năng chống nước 50 mét và bạn hoàn toàn có thể đeo nó dưới nước. Dù vậy, bạn lưu ý rằng không nên kích hoạt tính năng bấm giờ (chronograph) hay xoay núm vặn khi đeo dưới nước. Chúng tôi đã đề cập về khả năng chống nước của Speedmaster với Omega và thương hiệu cho biết đồng hồ đã được kiểm tra nghiêm ngặt về độ chống nước trước khi xuất xưởng, với độ sâu có thể vượt con số tiêu chuẩn (50 mét) đến 25%.
Ngoài ra, một điều quan trọng không kém đó là bạn cần kiểm tra định kì gioăng chống nước của đồng hồ. Trong trường hợp bạn thường xuyên sử dụng Speedmaster dưới nước, lời khuyên của tôi là nên thay thế gioăng cao su một lần sau 12 tháng. Điều này sẽ không quá cấp thiết với một số phiên bản Speedmaster có khả năng chống nước cao hơn như Speedmaster Co-Axial Master Chronometer Moonphase, với độ sâu tối đa lên đến 100 mét.
Việc đi bơi với một chiếc Speedmaster cổ điển có khả năng chống nước 30 mét sẽ không phải là một ý hay, ngay cả khi chúng còn hoạt động tốt hay mới được bảo dưỡng. Tốt nhất là bạn không nên để chúng tiếp xúc với nước trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Phi hành gia Nicola Stott với chiếc Speedmaster X-33 trên cổ tay. Ảnh: NASA
5. Speedmaster có còn được các phi hành gia sử dụng không?
Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi thường gặp đó là liệu hiện tại các phi hành gia có còn sử dụng Speedmaster khi thực hiện nhiệm vụ hay không. Câu trả lời là tất cả các phi hành gia du hành vào vũ trụ (bao gồm cả phi hành gia NASA và ESA) đều nhận được một chiếc Speedmaster Moonwatch, bao gồm cả phiên bản đồng hồ kỹ thuật số của mẫu X-33. Bạn sẽ thấy rất nhiều mẫu đồng hồ khác nhau trên cổ tay của các phi hành gia, không chỉ Omega mà còn một số thương hiệu khác theo sở thích cá nhân của họ. Tuy nhiên, chiếc đồng hồ duy nhất mà NASA từng chứng nhận đủ điều kiện để sử dụng trong các sứ mệnh không gian có người lái là Omega Speedmaster. Trong nhiều dự án vũ trụ gần đây như sự kiện phóng con tàu SpaceX Falcon 9 hay Blue Origin New Shepard, bạn có thể dễ dàng nhận ra chiếc Speedmaster trên cổ tay của các phi hành gia. Speedmaster vẫn đang được các phi hành gia sử dụng khi làm nhiệm vụ, thậm chí bao gồm cả phiên bản đặc biệt Speedmaster Silver Snoopy Award 50th Anniversary.
6. Omega Speedmaster Professional nên được lên cót sau bao lâu?
Qua nhiều năm, các phiên bản Speedmaster Professional hiện tại và trước đây đều sử dụng bộ máy in-house lên cót tay độc quyền của Omega, bao gồm bộ máy 321, 861, 863, 864, 866, 1861, 1863, 1866, 3201 và 3861. Các phiên bản này có khả năng dự trữ năng lượng từ 48 đến 52 giờ, tuỳ thuộc vào kích thước của từng bộ máy. Bạn cần lên cót đồng hồ khi thời gian trữ cót gần kết thúc, nhưng sẽ là tốt nhất nếu lên cót vào buổi sáng. Lưu ý rằng bạn không nên lên cót đồng hồ khi đang đeo trên tay, bởi điều này sẽ gây ra lực căng không cần thiết lên dây cót và bộ máy.
7. Omega Speedmaster có độ chính xác như thế nào?
Câu trả lời phụ thuộc vào bộ máy bên trong đồng hồ. Omega đặt ra mức sai số trung bình là +11 / -1 giây mỗi ngày cho một chiếc đồng hồ bấm giờ với bộ máy cơ khí không có chứng chỉ chronometer.
Một chiếc Omega Speedmaster có chứng nhận chronometer có độ chính xác trong khoảng +6 / -4 giây mỗi ngày, tương đương với tiêu chuẩn COSC. Hiệu suất này có thể giảm một chút sau vài năm đồng hồ được kích hoạt sử dụng hoặc sau khi bảo dưỡng. Hiện tại, phiên bản Speedmaster Professional Moonwatch mới nhất có chứng chỉ Master Chronometer được cấp bởi METAS và COSC. Những chiếc Speedmaster với bộ máy 3861 này có độ chính xác trong khoảng +5 / -0 giây mỗi ngày. Đồng hồ cũng có khả năng kháng từ tính lên đến 15,000 gauss.
8. Tôi nên mua Omega Speedmaster ở đâu?
Bạn có thể mua trực tiếp Speedmaster tại các cửa hàng chính thức của Omega hoặc đặt hàng chính thức từ website omegawatch.com. Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng mua tại một trong các nhà bán lẻ chính hãng của thương hiệu. Nếu bạn có nhu cầu mua một chiếc Speedmaster pre-owned, bạn nên mua từ các đại lý bán lẻ và người bán cá nhân. Bạn cũng có thể tìm được rất nhiều phiên bản Speedmaster cổ điển và pre-owned trên những nền tảng bán lẻ như Chrono24.
Các nhóm review, mua bán đồng hồ trên Facebook hay trên nền tảng omegaforums.net cũng rất hữu ích. Đây là nơi tập hợp những người am hiểu và đam mê đồng hồ nói chung và Omega nói riêng, bạn hoàn toàn có thể tham khảo thông tin và thu nạp thêm nhiều kiến thức mới mẻ từ họ. Khi mua online với cá nhân từ nước ngoài, bạn cần làm việc cẩn thận với hải quan, đồng thời đảm bảo chi phí dịch vụ rõ ràng và đầy đủ giấy tờ liên quan.
9. Sự khác biệt giữa các bộ máy 321, 861, 1861 và 3861 là gì?
Bộ máy calibre 321 của Omega (cả chiếc nguyên bản và chiếc mới nhất) là bộ máy chronograph sử dụng cơ chế column-wheel. Đây là bộ máy được sử dụng trong những chiếc Speedmaster đầu tiên từ năm 1957 đến năm 1968. Calibre 321 được kế thừa bởi bộ máy 861 nhờ những ưu điểm về chi phí và độ dao động cao hơn 321 (21,600 vph so với 18,000 vph). Cả hai đều là những bộ máy tuyệt vời và có chức năng hoạt động gần như tương đương nhau. Calibre 861 được thay thế từ khoảng năm 1996-1997 bằng calibre 1861 - bộ máy nhiều hơn 861 một chân kính và có thêm một lớp hoàn thiện khác. Bộ máy 861 và 1861 có khá nhiều biến thể khác nhau, chẳng hạn như calibre 863 (lớp hoàn thiện phức tạp hơn), calibre 866 (có thêm tính năng moonphase) hay calibre 864 (được chứng nhận chronometer).
Từ trái qua phải: Bộ máy 3861, 1861 và phiên bản mới của calibre 321
Bộ máy 1869 cũng đã xuất hiện từ năm 2018, được chế tác từ bộ máy nền tảng 1861 với lớp hoàn thiện đặc biệt mô phỏng bề mặt Mặt trăng, được sử dụng trên chiếc Dark Side of the Moon Apollo 8. Năm 2019, Omega chính thức cho ra mắt bộ máy 3861. Dựa trên nền tảng của 1861, calibre 3861 gồm 50% là các chi tiết hoàn toàn mới và đạt được chứng chỉ Master Chronometer từ METAS (Viện Đo lường Liên bang Thuỵ Sĩ). 3861 đã từng được sử dụng trên phiên bản Speedmaster thép không gỉ trong sứ mệnh Apollo 11, chiếc Moonshine Gold cũng như chiếc Speedmaster Professional Moonwatch Master Chronometer mới ra mắt.
Bộ máy calibre 321 mới đã được đưa vào chiếc Moonwatch phiên bản vỏ platinum với tên gọi Speedmaster Calibre 321 (hay còn được gọi là “NEW321”). Bộ máy này cũng xuất hiện trong chiếc Calibre 321 Broad Arrow Canopus Gold. Dù Omega đã thay đổi vị trí một số chi tiết so với bộ máy 321 nguyên bản, calibre 321 mới có lớp hoàn thiện bằng chất liệu vàng Sedna độc quyền của thương hiệu, trong khi 321 nguyên bản chỉ có lớp hoàn thiện màu đồng.
10. Số serial trên Speedmaster nằm tại vị trí nào?
Khi bạn đang quan tâm và tìm kiếm một chiếc Speedmaster cổ điển hoặc đã qua sử dụng, số serial sẽ rất hữu ích cho bạn. Speedmaster được sản xuất khi nào? Nó được vận chuyển đến quốc gia nào và khi nào? Số serial đồng hồ có thể giải đáp những câu hỏi này. Omega có một kho lưu trữ khá ấn tượng và với số serial, bạn có thể yêu cầu trích xuất thông tin chi tiết của đồng hồ. Mỗi chiếc Speedmaster đều có một số serial riêng được khắc trên bộ máy. Trên những mẫu Speedmaster ngày nay (từ ref. 3590.50 trở đi), bạn có thể thấy số serial được khắc dưới phần lug của đồng hồ.
Chiếc Speedmaster Professional trên cổ tay của phi hành gia Edwin “Buzz” Aldrin
11. Chiếc Speedmaster của Buzz Aldrin hiện đang ở đâu?
Nếu bạn chưa biết, thì Buzz Aldrin chính là phi hành gia đầu tiên đeo chiếc Omega Speedmaster khi đang đi bộ trên bề mặt Mặt trăng. Chính xác hơn, phiên bản này là Speedmaster Professional 105.012. Theo cựu kỹ sư NASA James Ragan, người chịu trách nhiệm thử nghiệm máy ảnh và đồng hồ Speedmaster cho các phi hành gia, Buzz Aldrin được cho là đã tặng chiếc đồng hồ của mình (cùng các thiết bị khác) trong sứ mệnh Apollo 11 cho Viện Nghiên cứu Smithsonian.
Chiếc Speedmaster 145.012-68 của phi hành gia Collins. (c) Ảnh: Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ
Những chiếc Speedmaster của Neil Armstrong và Michael Collins cùng nhiều phi hành gia khác đều được xếp vào loại tài sản của chính phủ Hoa Kỳ. Những mẫu Speedmaster này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian. Bảo tàng riêng của Omega ở Biel, Thụy Sĩ cũng trưng bày một số phiên bản Speedmaster từng được phi hành gia đeo trên tay khi thực hiện nhiệm vụ.
Miluxe tự hào là đại lý ủy quyền chính hãng của Omega tại Việt Nam (mức giá cạnh tranh với hàng xách tay).
Nguồn: Fratellowatches